Một góc nhìn về cải cách đất lâm nghiệp ở Trung Quốc

ThienNhien.Net – Cuối tháng 11 năm 2009, Trung Quốc ra mắt Sàn giao dịch lâm nghiệp. Đây là thị trường kinh doanh các tài sản lâm nghiệp và tài nguyên rừng đầu tiên của quốc gia này, nơi người nông dân có thể mua, bán quyền sử dụng đất lâm nghiệp của họ một cách hợp pháp – điều chưa từng có trước đây.


Mầm cải cách

 

Mặc dù Trung Quốc tiến hành chủ trương giao đất canh tác cho người dân từ ba thập kỷ trước, song  đất lâm nghiệp thì vẫn do nhà nước và các hợp tác xã quản lý. Cơ chế này đã dẫn đến những vướng mắc và trì trệ mang tính hệ thống, cản trở sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Một trong những vấn đề nổi cộm là sự thiếu rõ ràng trong quyền sử dụng đất lầm nghiệp.

 

Năm 2003, Trung Quốc mở cuộc cải cách “tấn công” vào 170 triệu ha đất lâm nghiệp, giao quyền quản lý từ tập thể sang cho người dân.

 

Lôi kéo hơn 700 triệu nông dân vào cuộc, chương trình cải cách được đánh giá là một tiến bộ lớn, sánh ngang tầm chủ trương giao khoán hộ gia đình của 30 năm trước đó.

 

Khâu đầu tiên trong lần cải cách này là phân định rõ chế độ sở hữu, theo đó người dân sẽ được giao quản lý đất lâm nghiệp từ các hợp tác xã, mặc dù tài sản rừng vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Khâu tiếp theo là trao quyền chủ động cho người dân trên phần đất lâm nghiệp mà họ quản lý, giúp họ linh hoạt về phương thức quản lý và thu được lợi ích thực sự.

 

Đến nay, 5 tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Liêu Ninh, Vân Nam và Triết Giang của Trung Quốc đã hoàn thành việc cải cách. 14 tỉnh và vùng tự trị khác đã xong bước cải cách thứ nhất và người dân đã nhận được giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

 

Việc ra đời Sàn giao dịch lâm nghiệp cuối năm vừa rồi cho thấy cuộc cải cách đất lâm nghiệp sở hữu tập thể của Trung Quốc đang tiến những bước sâu hơn, cho phép người dân có thể trao đổi mua bán quyền quản lý đối với diện tích lâm nghiệp mà họ nhận.

 

Việc giao dịch mang lại lợi ích thực tế đã làm thay đổi về căn bản thái độ và sự quan tâm của người nhận đối với tài sản đất lâm nghiệp mà họ được giao. Để thu được lợi ích tối đa trên phần đất giới hạn của mình, họ tập trung nhiều hơn vào việc trồng cây và ươm giống. Sáng kiến tái sinh rừng đã đạt được kết quả đáng kể. Tới nay, Trung Quốc đã vươn lên tốp đầu thế giới về diện tích rừng trồng, với 62 triệu ha.

 

Nhiều công ty chế biến gỗ đã đầu tư mua lại đất lâm nghiệp. Công ty giấy Chenming của tỉnh Sơn Đông gần đây mua khoảng13.300 ha rừng ở tỉnh Hồ Nam để mở rộng vùng nguyên liệu. Với gần 35.000 doanh nghiệp trong ngành, cơn sốt đất lâm nghiệp bùng phát mạnh mẽ.

 

Một số công ty tư nhân thậm chí kỳ vọng thông qua sàn thương mại này để nhảy vào kinh doanh du lịch. Theo ước tính của Cơ quan quản lý lâm nghiệp Trung Quốc trong năm nay, số lượng các khu lâm sinh đón khách du lịch của Trung Quốc sẽ lên tới con số 2.400, số lượng khách dự kiến khoảng 300 triệu lượt và doanh thu ngành đạt khoảng 150 tỉ nhân dân tệ (22 tỉ USD).

 

Zhang Jianlong, Phó giám đốc Cơ quan quản lý lâm nghiệp của Trung Quốc nhận xét rằng việc thành lập sàn thương mại sẽ thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất lâm nghiệp một cách quy củ thông qua việc hình thành giá và hệ thống quản lý công khai, minh bạch và bình đẳng.

 

Khó khăn

 

Ông Zhang cũng dự báo rằng khi công cuộc cải cách ngành lâm nghiệp bén rễ, các giao dịch về quyền sử dụng sẽ dần dần linh hoạt và mở rộng. Nhưng bên cạnh đó sẽ vẫn tồn tại nhiều vấn đề, tư sự khác biệt về tiêu chuẩn và dịch vụ, cho tới sự thất bại của chính phủ trong vai trò giám sát.

 

Giáo sư Li Zupei, hiện công tác tại Trung tâm quản lý nông thôn, thuộc đại học Bách Khoa Huazhong, là người am hiểu về lĩnh vực này. Cuối năm 2009, ông đã tiến hành cuộc điều tra về kết quả cải cách đất lâm nghiệp tại làng Dongcun, tỉnh Liêu Ninh và phát hiện những khoảng cách bất ổn giữa chính sách và thực tế.

 

Kết quả điều tra cho thấy trong 5.867 ha đất lâm nghiệp của làng Dongcun Village, có 3.733 ha thuộc Nhà nước quản lý và khoảng 2.000 ha do làng quản lý. Chiểu theo chính sách về cải cách, toàn bộ 2.000 ha cần được giao cho các hộ gia đình. Song từ khi tiến hành cải cách năm 2006, mới chỉ có133 ha đất lâm nghiệp được giao cho hộ dân, nghĩa là chưa đạt 1/10 con số dự kiến.

 

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do cơ quan quản lý lâm nghiệp địa phương không chịu từ bỏ quyền lợi của mình bởi nhờ việc giữ đất, hàng năm họ vẫn nhận được phí quản lý 37,5 nhân dân tệ (tức khoảng 5,49 USD) trên mỗi ha đất lâm nghiệp. Một lý do khác nữa là giá gỗ trên thị trường leo thang không ngừng trong những năm gần đây, khiến lợi nhuận từ đất lâm nghiệp gia tăng nhanh chóng.

 

Sự phản kháng quyết liệt từ phía người dân địa phương đã làm méo mó các chính sách cải cách ở làng Dongcun, tác động xấu đối với kinh tế địa phương và môi trường sinh thái.

 

Kết quả nghiên cứu của Gs. Li cũng cho thấy đất lâm nghiệp càng giàu tiềm năng thì càng có nhiều bất cập. Thông qua chương trình cải cách, tiềm năng kinh tế của những khu rừng biến thành lợi nhuận thực sự. Tuy nhiên, việc phân bổ không công bằng sẽ sẽ trở thành rào cản, làm cho tình trạng sử dụng đất sai mục đích trở nên phổ biến, khiến người trồng rừng rơi vào tình trạng bất mãn và có thể phản kháng tiêu cực bằng cách đốn gỗ hay đốt rừng bất hợp pháp, như vẫn xảy ra ở một số nơi.

 

“Cải cách lâm nghiệp của Trung Quốc đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Sự thành công của nó nằm ở chỗ nó phải được triển khai một cách đúng đắn” Gs. Li nhận định.

 

Cơ hội để phát triển

 

“Ngành công nghiệp rừng của Trung Quốc lớn, nhưng vẫn chưa mạnh” – đó là đánh giá của Cơ quan quản lý lâm nghiệp của Trung Quốc. Điều này thể hiện ở chỗ mặc dù giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp rừng của Trung Quốc đạt cao, khối lượng xuất nhập khẩu về lâm nghiệp của Trung Quốc chiếm tới 18% thế giới, sản lượng nhựa thông, mây tre và các sản phẩm từ mây tre, ván sàn nhân tạo và đồ nội thất của nước này đều cao nhất thế giới nhưng bên cạnh đó là rất nhiều vướng mắc gây cản trở sự phát triển. Việc xây dựng chậm trễ các khu chứa nguyên liệu thô, chất lượng kém trong toàn ngành, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững là những ví dụ.

 

 

Theo kết quả của Chương trình Điều tra Lâm nghiệp Toàn quốc lần thứ 7 của Trung Quốc được công bố tháng 11/2009, tỷ lệ che phủ rừng của nước này là 20,36 %; với 195 triệu ha diện tích. Trữ lượng rừng đạt 13,72 tỉ m3; trữ lượng cacbon rừng là 7,81 tỷ tấn và giá trị dịch vụ hệ sinh thái hàng năm khoảng trên 10 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,46 nghìn tỉ đô-la).

 

Trong vòng năm năm (tính đến 2009), diện tích rừng của Trung Quốc tăng 20,54 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng tăng 2,15% (từ 18,21% lên 20,36%). Diện tích đất rừng do tư nhân quản lý tăng 11,39% (đạt 32,08% năm 2009. 

Ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được kiểm soát, ngành công nghiệp rừng của Trung Quốc vẫn chịu tổn thất nặng nề. Trong nửa đầu năm 2009, giá trị xuất khẩu sản phẩm lâm  nghiệp của Trung Quốc giảm 11,66 % so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo nhận xét của ông Zhang, cuộc cải cách tấn công vào đất lâm nghiệp thuộc sở hữu tập thể tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp rừng của Trung Quốc. Nó góp phần thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn 170 triệu ha đất rừng thuộc sở hữu tập thể, thừa nhận việc kinh doanh hợp pháp quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tham gia, thu hút đầu tư vốn, phân bổ hợp lý các yếu tố sản xuất, thúc đẩy chuyên môn hoá và sản xuất đại trà trong ngành công nghiệp rừng.

 

Ông Zhang cũng cho biết mục tiêu của ngành công nghiệp rừng Trung Quốc giai đoạn 2010-2012 là duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 12% và tăng giá trị tổng sản lượng của ngành công nghiệp rừng từ 1,44 nghìn tỉ nhân dân tệ (210,8 tỉ USD) năm 2008 lên 2,26 nghìn tỉ nhân dân tệ (331 tỉ USD) vào năm 2012.