Ứng dụng khoa học sản xuất khoai lang Nhật tại Xuân Lộc, Đồng Nai

ThienNhien.Net – Đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân ở Xuân Lộc, Đồng Nai về việc trồng khoai lang Nhật chất lượng cao để nâng cao thu nhập, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất khoai lang Nhật tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai” do Kỹ sư Trịnh Việt Nga là chủ nhiệm.


Theo kết quả điều tra, khảo sát của nhóm nghiên cứu thì hiện Xuân Lộc hàng năm trồng khoảng 100 ha khoai lang, trong đó có trên 30 nông hộ trồng các giống khoai lang Nhật, chủ yếu tại các xã Xuân Tâm, Xuân Hòa, Xuân Vinh trên đất thấp vụ đông xuân hoặc trên đất cao trồng màu ở vụ hè thu và thu đông. Năng suất khoai lang Nhật tại địa phương đạt khoảng 15 tấn/ha/vụ cho tổng thu khoảng 60 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên trong quá trình trồng, nông dân lại gặp phải các trở ngại là những giống này bị thoái hóa, tạp lẫn, khó mua giống cho sản xuất mở rộng và khó duy trì được chất lượng giống gốc.

Do đó, nhóm nghiên cứu đã triển khai thực hiện dự án nhằm đưa các biện pháp kỹ thuật như: kỹ thuật nuôi cấy, kỹ thuật bảo tồn nguồn gen tốt bằng cấy mô, quy trình kỹ thuật nhân giống khoai lang cấy mô ra vườn ươm và đồng ruộng.

 
Mô hình trình diễn khoai lang Nhật tại Xuân Lộc. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Kỹ sư Trịnh Việt Nga cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào khoai lang sẽ góp phần quản lý tốt nguồn gen, cung ứng trong một thời gian xác định theo hợp đồng số lượng cây đúng giống, đồng đều và sạch bệnh để trồng trên quy mô công nghiệp làm nguồn nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thay vì dùng phương pháp cũ là đi thu mua cây giống trong dân.


Người nông dân mong được trồng giống khoai lang sạch bệnh, năng suất cao. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Hiện nay, dự án đã triển khái thí điểm tại ruộng khoai của 2 hộ nông dân ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc và đã cho kết quả tốt, chi phí đầu tư ít, năng suất cao, đạt tới trên 2 tấn/sào.

Theo khuyến cáo của nhóm nghiên cứu dự án, thì khi cắt hom giống khoai lang để trồng nên chọn hom ngọn sẽ cho củ to hơn và cắt dây bánh tẻ dài từ 25-30 cm. Hom phải mập, không sâu bệnh, có nhiều mắt. Cắt xong đem để rải nơi thoáng mát (không được để chất đống) từ 1-2 ngày trước khi trồng sẽ giúp hom nhanh ra rễ, nẩy chồi hơn. Việc đặt hom giống bao giờ cũng lấp đất phủ hết, chỉ để ngọn nhô lên 3-5 cm, cây khoai sẽ không bị táp nắng, phát triển tốt, ra nhiều củ, củ dài 18-20cm, mỗi dây có thể cho sản lượng 3-4 kg, bán giá cao, xuất khẩu tốt.

Kỹ sư Trịnh Việt Nga cho biết thêm, hiện nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra khoảng 50.000 hom cây giống khoai lang sạch bệnh; cây giống khoai lang thuần với tỷ lệ tạp nhiễm giống thấp dưới 0,1% và đưa ra được quy trình về nhân giống; ứng dụng thuốc trừ sâu sinh học trong phòng trừ bọ hà khoai lang; đồng thời xây dựng được khoảng 2 cơ sở cung cấp giống thuần khoai lang Nhật và khoai lang cao sản đáp ứng nhu cầu trồng khoai lang của nông dân.