Biểu thuế suất thuế tài nguyên vẫn chưa được thông qua

ThienNhien.Net – Chiều 14/04, tại phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên để Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện.


Luật Thuế tài nguyên được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2010. Trong đó, khoản 3 điều 7 của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại thuế tài nguyên trong từng thời kỳ.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh trình bày, nguyên tắc xác định mức thuế suất thuế tài nguyên sẽ được tính theo hướng áp mức thuế cao với tài nguyên không có khả năng tái tạo và mức thấp hơn với tài nguyên có khả năng tái tạo.

Trong báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm đồng tình về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho rằng dù mức thuế được quy định trong Biểu thuế về cơ bản được xác định rõ ràng đối với một số tài nguyên cụ thể, đối với nhóm tài nguyên không tái tạo đã điều chỉnh thuế suất cao hơn mức hiện hành, nhưng một số quy định trong Biểu thuế vẫn còn những điểm cần tiếp tục hoàn chỉnh.

Đơn cử như thuế suất đối với tài nguyên không tái tạo, mức thuế đối với nhóm này chỉ điều chỉnh ở mức độ tăng nhẹ như sắt, mangan ở mức 10% (tăng 3%) trong khi mức trần là 20%; kẽm, đồng, chì, nhôm mức 10% trong khi mức trần 25%; than là 5% và 7% trong khi mức trần là 20%…

Theo ý kiến của một số đại biểu, thuế suất đối với than chưa hợp lý. Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, lợi nhuận thu được từ than khá cao, mức độ gây ô nhiễm môi trường của khai thác than là nghiêm trọng trong khi tương lai không xa chúng ta lại phải nhập khẩu một lượng lớn than, vì vậy thuế suất 5% đối với một số loại than cần phải được nâng lên.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, cần phải có căn cứ chứng minh để quy định mức thuế mới, chính sách thuế cần xác định thiên về thúc đẩy sản xuất thay vì nặng về quản lý, cần xem xét kỹ tác dụng của mức thuế. Nếu thay đổi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến ổn định giá cả.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Văn Ninh cho biết, đây là sắc thuế đánh trực tiếp vào khai thác. Nếu nâng mức thuế tài nguyên để hạn chế xuất khẩu, tiết kiệm tài nguyên thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước vì nhiều tài nguyên là đầu vào của sản xuất như than, dầu, nước….

Vì vậy, xây dựng thuế suất tài nguyên sẽ theo hướng, sau khi khai thác, nếu xuất khẩu thô sẽ bị áp mức thuế suất cao, nếu dùng cho sản xuất trong nước thì khuyến khích nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến sâu tài nguyên và hạn chế xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng đưa ra ý kiến, thuế là yếu tố cấu thành giá. Việc điều chỉnh giá của một sản phẩm đều tác động liên hoàn vì thế cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, khi tính toán biểu thuế suất tài nguyên, cần kết hợp yêu cầu quản lý với đảm bảo phát triển kinh tế.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã giao Uỷ ban Tài chính- Ngân sách phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại theo tinh thần chi tiết hơn với từng loại thuế tài nguyên, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, biểu quyết thông qua.