Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa

ThienNhien.Net – Tân Thạnh Đông là một xã nông nghiệp của huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có đàn bò sữa phát triển chiếm tỷ lệ 13% tổng đàn bò sữa của thành phố và mang lại thu nhập khá ổn định cho nông dân địa phương. Áp dụng tổng hợp các yếu tố công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho nghề chăn nuôi bò sữa tại địa phương và làm mô hình mẫu phát triển bò sữa, từ năm 2006, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã triển khai Dự án: “Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi – 2006-2009”.


Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết Dự án, ông Đoàn Thanh Vân, chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông cho rằng, mô hình đã mang lại nhiều kết quả tốt, đã cải thiện đáng kể năng suất và chất lượng đàn bò sữa ở địa phương; bà con nông dân đã học tập nhau nhân rộng mô hình.

Cụ thể, Dự án đã có những tác động tích cực như:

– Khuyến khích đầu tư sửa chửa chồng trại, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải, xây dựng Biogas giúp hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp cho sinh lý của bò;

– Khuyến khích việc chon lọc đàn cái sinh sản, dùng các dòng tinh của Israel có năng suất sữa cao (13.000kg/ chu kỳ) phối cho đàn bò cái, giúp nâng cao năng suất sữa đời con;

– Khuyến khích nông dân sử dụng hợp lý các loại thức ăn thô – tinh phù hợp theo nhu cầu sinh lý và khả năng sản xuất của từng nhóm bò;

– Khuyến khích nông dân đầu tư máy vắt sữa để hạn chế xâm nhiễm vi sinh, nâng cao chất lượng sữa trong khâu lấy sữa.

– Khuyến khích nông dân trồng cỏ có chất lượng, sử dụng thức ăn thô hợp lý chủ động cung cấp thức ăn thô cho bò;

– Khuyến khích nông dân thực hiện việc phòng bệnh theo qui định của ngành thú y…

Sau 3 năm thực hiện, đàn bò tăng bình quân 11,3%/ năm, từ 7748 con năm 2006 lên 11.205 con năm 2009; năng suất sữa tăng từ 4.862kg/con/ chu kỳ năm 2007 lên 5.100kg/con/chu kỳ năm 2009; sức khỏe, thể trạng của bò được cải thiện đáng kể; khả năng phối giống đậu thai tăng giúp rút ngắn khoảng cách giữa 2 lứa đẻ; và hiệu quả kinh tế tăng lên.

Tuy nhiên, Dự án cũng cần phải tiếp tục tổ chức sản xuất, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sữa, nhất là phải phối hợp tốt với các doanh nghiệp thu mua để giải quyết tốt việc bán sữa cho nông dân, góp phần phát triển ổn định nghề nuôi bò sữa.