Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn

ThienNhien.Net – Phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất. Đó là Chiến lược Quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/12/2009 với quan điểm quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”

Cụ thể, quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp.

Quản lý tổng hợp chất thải rắn phải đáp ứng theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, theo đó các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí, khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Giảm 85% lượng túi nilong sử dụng ở siêu thị, trung tâm thương mại

Từ các quan điểm trên, chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng đô thị và 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Lượng túi nilong sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại giảm 85% so với năm 2010.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn; đẩy mạnh thu gom và vận chuyển chất thải rắn; tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải…

Huy động mọi nguồn lực đầu tư quản lý chất thải rắn

Giải pháp chiến lược được đưa ra là quy hoạch quản lý chất thải rắn. Theo đó, sẽ lập và thực hiện quy hoạch xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn cho các vùng kinh tế của cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ lập và thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn; trong đó, xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tới tận phường, xã.

Song song với quy hoạch quản lý chất thải rắn là các giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn; thiết lập cơ sở dữ liệu và hệ thống quan trắc dữ liệu về chất thải rắn toàn quốc; thúc đẩy nghiên cứu khoa học đi đôi với tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái chế tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi nilong, không đổ rác bừa bãi… Đưa giáo dục môi trường vào các cấp học; thực hiện các hoạt động thí điểm, các sáng kiến giúp quản lý chất thải rắn tốt hơn.

Quỹ tái chế chất thải rắn cũng sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ cho các hoạt động giảm thiểu và tái chế chất thải rắn. Đồng thời, huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn, tìm kiếm hỗ trợ từ các nguồn vốn ODA…

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 sẽ có 10 chương trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn được hoàn thành.

Chất thải rắn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng, nghiêm trọng nhất là đối với dân cư khu vực làng nghề, gần khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải; ở vùng nông thôn ô nhiễm chất thải rắn đã đến mức báo động. Nhiều bệnh như đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… đều do loại chất thải rắn gây ra.

Thống kê cho thấy, nguồn phát sinh chất thải rắn tập trung chủ yếu ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Tại các đô thị này, tuy chỉ chiếm tỉ lệ 24% dân số cả nước, nhưng lại phát sinh hơn 6 triệu tấn chất thải mỗi năm, chiếm gần 50% tổng lượng chất thải sinh hoạt cả nước.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đất, ngày càng kéo tỷ lệ bệnh nhân có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường gia tăng.