Khôi phục đai rừng ngập mặn để đối phó biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Uỷ ban Quốc tế về biến đổi khí hậu đã xác định Việt Nam là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng trái đất nóng dần lên, mực nước biển dâng cao, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó, Kiên Giang là tỉnh có 208 km bờ biển được xác định là dễ bị tác động nhất.


Để đối phó với tình trạng này, Dự án “Phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng đối phó với biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển Tây Nam tỉnh Kiên Giang” đã được Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào danh mục xin nguồn tài trợ từ Chính phủ CHLB Đức thông qua Ngân hàng tái thiết Đức (KFW).

Để thực hiện dự án này, từ tháng 10/2009, Đoàn chuyên gia xác định dự án của Đức do tiến sĩ Hartmut Bruhl – chuyên gia công trình ven biển làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa tại một số địa phương có tình trạng sạt lở đê biển.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang đã đề nghị đoàn tư vấn xem xét tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển rừng ngập mặn và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ môi trường.

Đối với lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, Kiên Giang yêu cầu hỗ trợ nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông, hệ thống cống ngăn mặn; củng cố và nâng cao hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống cống ngăn mặn để hạn chế nước biển xâm nhập sâu vào nội địa. Lĩnh vực phát triển rừng ngập mặn ven biển, đề án đề cập đến việc khôi phục và trồng lại rừng ngập mặn dọc theo bờ biển từ huyện An Minh đến thị xã Hà Tiên, đặc biệt là những nơi có đai rừng ngập mặn nhỏ hơn 50m. Ước tính diện tích trồng rừng phòng hộ ven biển toàn tỉnh Kiên Giang trên 2.620 ha, trong đó rừng bãi bồi trên 1.600 ha.

Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng yêu cầu đoàn hỗ trợ cung cấp trang thiết bị, đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan chuyên môn nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực triển khai các dự án bảo vệ môi trường trong tương lai.

Qua quá trình khảo sát cho thấy, trong số 178 km của 7 huyện, thị, thành phố ven biển thì có đến 80 km có hiện tượng sạt lở. Những thay đổi đáng kể về động thái bờ biển làm gia tăng sạt lở được biết là có từ những năm cuối thập niên 90. Nguyên nhân của hiện tượng này chưa được xác định rõ và địa phương cũng chưa có nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân vấn đề. Sự phá vỡ đê điều thường xuyên làm cho dân cư gặp nhiều khó khăn do tình trạng nước mặn xâm thực sâu vào đất liền. Hàng năm, tỉnh Kiên Giang đã phải đầu tư ngân sách từ 4 – 5 tỷ đồng để gia cố, sửa chữa hệ thống đê biển.

Ở cấp độ quốc gia, Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình khôi phục đê điều. Theo đó, cần hoàn thành 1.700 km đê biển của cả nước với tổng đầu tư lên tới hơn 14,9 ngàn tỷ đồng, phân ra làm 3 giai đoạn: 2009 – 2012, 2013 – 2015 và 2016 đến 2020. Ngân sách cho tỉnh Kiên Giang theo các giai đoạn trên là 800 tỷ đến năm 2012, 800 tỷ đến năm 2015 và 483 tỷ đến năm 2020.

Bên cạnh khôi phục đê điều, chương trình rừng ngập mặn của cả nước sẽ bao gồm một diện tích lên tới 340.165 ha, trong đó có rừng ngập mặn hiện có, rừng phục hồi và rừng trồng mới (500m tính từ đê ra mép nước biển). Tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích rừng ngập mặn trên 40.000 ha, gồm rừng phòng hộ ven biển, rừng sản xuất, rừng trồng lại và rừng đặc dụng. Tổng số vốn dành cho Kiên Giang thực hiện chương trình này là 9,3 tỷ đồng đến năm 2010.

Hiện tại, chi phí chi trả cho việc phục hồi, sửa chữa hệ thống đê là khoảng 10 tỷ đồng/km. Chi phí này còn quá thấp so với các giải pháp kỹ thuật cần được thực hiện. Mức chi phí hợp lý phải ở vào khoảng 25 – 50 tỷ đồng/km. Chi phí đề xuất dự án khôi phục rừng ngập mặn của Bộ NN & PTNT hiện ở mức 30 triệu đồng/ha bãi bồi và 71,4 triệu đồng/ha bãi lở cũng thuộc loại quá thấp so với chi phí thực tế. Mức chi hợp lý có thể lên đến 100 triệu đồng/ha.

Bước đầu, Đoàn khảo sát của chuyên gia Đức đã định hình một số đề xuất cho dự án đối phó biển đổi khí hậu vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang, trong đó bao gồm các biện pháp tiềm năng cho vùng dự án. Đồng thời, dự án cần được xây dựng và phát triển các giải pháp kỹ thuật, vận hành mới trong việc bảo vệ bền vững vùng ben biển ở Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL.

Về phía địa phương, các khu vực ưu tiên được đề xuất là 4 huyện vùng ven biển (An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương). Trong đó bao gồm 20 xã với tổng số dân khoảng 10.000 người, tương đương với 2.000 hộ, 1/3 trong số đó thuộc diện hộ nghèo. Những địa phương còn lại sẽ được xem xét khảo sát trong thời gian tới.

Sau khi trao đổi, điều chỉnh một vài điểm trong biên bản khảo sát Dự án, ông Văn Hà Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang và Tiến sĩ Hartmut Bruhl đã ký biên bản khảo sát. Trên cơ sở báo cáo của đoàn chuyên gia khảo sát, Ngân hàng Tái thiết và Bộ Phát triển Kinh tế của CHLB Đức sẽ quyết định tính phù hợp của dự án đã được phía Việt Nam đề xuất trong khung hợp tác kinh tế. Nếu có quyết định phê duyệt, bước tiếp theo sẽ là một nghiên cứu khả thi để kiểm định các khả năng kỹ thuật, năng lực hành chính và các cơ hội để dự án thực hiện một cách bền vững.

Dự kiến tổng vốn của dự án này khoảng 8 triệu EURO. Các bộ, ngành Trung ương sẽ đưa dự án này vào mục đề xuất xin tài trợ từ các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ CHLB Đức dành cho Việt Nam thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức.