Lần đầu tiên đấu giá chứng nhận giảm phát thải

ThienNhien.Net – Trong tháng 12 này, lần đầu tiên, 350.000 chứng nhận giảm phát thải từ Dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông tại Bà Rịa-Vũng Tàu (ban hành cho giai đoạn 1/12/2001 đến 31/12/2005) sẽ được đem ra đấu giá tại Hà Nội.


Đây là Dự án phát triển sạch (Dự án CDM 0152) đầu tiên được chứng nhận giảm phát thải (CERs). Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) là đơn vị tổ chức đấu giá.

Mỗi chứng nhận CERs tương đương giảm phát thải 1 tấn khí gây hiệu ứng nhà kính. Giá 1 CERs ở châu Âu đã tăng vọt từ mức 3 euro (năm 2003) lên mức 13-14 euro.

Tính đến hạn cuối cùng (19/11) cho việc gửi “thư bày tỏ quan tâm” của những người mua thích hợp, PVFC đã nhận được trên 10 thư bày tỏ từ người mua là các ngân hàng và tổ chức hoạt động công nghiệp của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. PVFC đang căn cứ trên các tiêu chí về năng lực để chốt danh sách những người mua đủ khả năng tham gia đấu giá.

Theo ước tính của các chuyên gia môi trường, Việt Nam có thể thu về khoảng 250 triệu USD từ thực hiện các dự án CDM đến hết năm 2010.

Tuy nhiên, do những điều kiện nghiêm ngặt của việc đăng ký dự án CDM, hiện Việt Nam mới có một số dự án CDM đã được các bên liên quan phê chuẩn và đi vào thực hiện, như Dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông, Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở nhà máy bia Thanh Hóa và nhiều dự án tiềm năng khác, như Dự án thu gom khí CH4 và phát điện tại bãi rác Gò Cát (Thành phố Hồ Chí Minh), Dự án của 2 Công ty Nhật Bản là Mitsui và Marubena ở Mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh).

CDM là một trong ba cơ chế mềm dẻo để các nước thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết tại Nghị định thư Kyoto bên cạnh Cơ chế đồng thực hiện (JI – phối hợp thực hiện các dự án hợp tác về khí hậu giữa các nước phát triển với nhau), Cơ chế buôn bán phát thải (ET – cho phép các nước phát triển “mua” lại chứng chỉ giảm phát thải từ các nước đang phát triển – những nơi có mức phát thải thấp, hoặc chưa đến ngưỡng yêu cầu giảm phát thải).

CDM không phải là vốn cho vay, viện trợ để phát triển mà là cơ chế thị trường, nghĩa là phải có đầu tư, cạnh tranh và mua bán. Các nước phát triển (bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân) đầu tư vào các dự án tại các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Các nước đang phát triển (bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân) được phép tự thực hiện các dự án trên.

Như vậy, thay vì bỏ ra nhiều chi phí để giảm ngay lượng phát thải tại nước mình, nước phát triển sẽ dùng số vốn đó đầu tư vào nước đang phát triển để nước này cải tạo công nghệ, giảm phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính.

Kết quả là lượng phát thải của thế giới giảm đi. Nước phát triển được lợi do bỏ ra chi phí thấp để giảm khí thải, còn nước đang phát triển được lợi nhờ có vốn để phát triển công nghệ tiên tiến và góp phần vào việc giảm phát thải trên thế giới. Các nước phát triển đầu tư vào các dự án theo cơ chế nói trên sẽ lấy lượng phát thải giảm được làm chỉ tiêu của mình. Các nước đang phát triển có thể bán chỉ tiêu giảm phát thải cho các nước phát triển.