Bãi rác Đa Phước: Càng đầu tư, càng ô nhiễm

ThienNhien.Net – Được xây dựng theo công nghệ hiện đại, với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, nhưng đến nay, khu xử lý rác Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) mới chỉ xử lý được một phần nhỏ nước rỉ rác, hầu như toàn bộ rác vẫn được chôn lấp theo kiểu truyền thống và còn rất nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, gây ô nhiễm nặng đến môi trường xung quanh.


Không chỉ “phát tán” mùi hôi nồng nặc, bãi rác còn là là nơi sinh sôi nảy nở của rất nhiều ấu trùng ruồi, gây phát sinh dịch ruồi ở huyện Bình Chánh, gây ô nhiễm nguồn nước và có thể nguy hại đến cả khu vực quanh vùng như Nhà Bè và Cần Giuộc (Long An)… Tỉ lệ người dân mắc bệnh về hô hấp vì thế mà ngày càng gia tăng, nhất là trẻ dưới 10 tuổi.

Khu xử lý rác Đa Phước có tổng diện tích 128ha, công suất xử lý 3.000 tấn rác/ngày, do VWS làm chủ đầu tư. Mỗi ngày lượng rác bắt buộc phải đưa về bãi rác này thấp nhất là 3.000 tấn, chiếm gần một nửa lượng rác phát sinh mỗi ngày ở thành phố.

Báo Nhân Dân số 19813 cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do chủ đầu tư chưa xử lý triệt để các công đoạn chôn lấp rác, để nguồn nước rỉ rác bị tồn đọng quá nhiều và ngấm sâu vào lòng đất, gây ô nhiễm toàn vùng.

Theo hợp đồng Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) ký với thành phố, toàn bộ công nghệ tại khu xử lý rác được nhập khẩu từ các quốc gia phát triển, với quy trình khép kín, có hệ thống quan trắc nước, khí thải, xử lý nước rỉ rác, sục khí, phát điện… Ngay khi tiếp nhận, rác sẽ được phân loại xử lý, một phần thành phân compost, một phần tái chế, phần còn lại không thể tái chế mới chôn lấp.

Tuy nhiên, hiện nay, khu mới xử lý được 280 m3/ngày so với yêu cầu là 800m3/ngày. Như vậy, trung bình mỗi tháng còn gần 20.000 m3 nước rỉ rác chưa được xử lý và trong hai năm qua lượng nước rỉ từ rác thải đã lên con số quá lớn.

Điều đáng nói là dù đã nhận được khoản chi phí khá lớn cho việc xử lý rác nhưng đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động, khu Đa Phước vẫn chưa hoàn thiện 10 hạng mục quan trọng như nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.200 m3 nước/ngày, nhà máy tái chế nhựa, nhà máy làm phân compost, sàn trung chuyển rác…

Được biết, phía thành phố đã có văn bản yêu cầu VWS báo cáo tình hình thực hiện dự án và biện pháp xử lý ô nhiễm nhưng đến nay, vấn đề môi trường vẫn dậm chân tại chỗ.