Xây dựng nông thôn mới ven đô Hà Nội

ThienNhien.Net – UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) xã Thụy Hương (Chương Mỹ), phấn đấu đến năm 2011 đạt tiêu chí mô hình “Nông thôn mới thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” để nhân ra diện rộng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn – Sở NN&PTNT TP – Lê Thiết Cương, xây dựng NTM của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khác với các địa phương trong cả nước là xây dựng mô hình “NTM ven đô”, vì vậy triển khai có tính chất đặc thù, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất trên cơ sở bảo đảm lợi ích cao nhất cho người nông dân.


Năm 2020, 70% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM

Ông Lê Thiết Cương cho biết, TP Hà Nội hiện có 401 xã, thị trấn nằm trong chương trình xây dựng NTM. Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt 70% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM (của cả nước là 50%). Đặc biệt, trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM của Hà Nội đã xây dựng một số tiêu chí cao hơn bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng và của cả nước như: Tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội giảm xuống còn 2,98% (so với Đồng bằng sông Hồng là 3%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, 20% (25%); tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học, 95% (90%); tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, 60% (40%); tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, 95% (90%); tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng, 95% (90%)…

Như vậy có thể khẳng định, đây là cơ hội tốt cho khu vực nông thôn Hà Nội tận dụng hoàn thiện công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân; là cơ sở giải quyết rốt ráo những bức xúc về ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm, giao thông nông thôn… đồng thời khôi phục những giá trị truyền thống, tốt đẹp ở địa phương.

Ông Lê Xuân Hùng, xã Khánh Thượng (Ba Vì) cho rằng, xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước triển khai được người dân đồng tình và hưởng ứng rất cao. Đặc biệt với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như Khánh Thượng, người dân kỳ vọng, qua chương trình này Nhà nước sẽ đầu tư đồng bộ các hạng mục cơ sở vật chất trọng điểm như trường học, đường giao thông nông thôn, trạm y tế, đào tạo cán bộ…; sản xuất nông nghiệp có cơ hội bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và cho thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Thiết Cương, điểm mấu chốt của chương trình xây dựng NTM lần này là thực hiện theo phương châm “lấy phát huy nội lực là chính”, người dân sẽ đóng góp bằng ngày công xây dựng các công trình và bảo đảm mọi việc “dân được biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm và dân kiểm tra”. Từ đó sẽ tạo ra những giá trị mới của nông thôn về kinh tế, văn hoá, tổ chức cộng đồng và người nông dân có tính năng động, tự chủ.

Xây dựng mô hình “NTM ven đô”

Nông thôn TP Hà Nội bao gồm vùng ven đô và toàn bộ vùng ngoại thành. Xây dựng mô hình “NTM ven đô” không chỉ phát triển nông nghiệp truyền thống, thuần tuý mà phải hướng đến phát triển NTM theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái; tiến hành tổ chức lại sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch. Nếu phát triển hài hoà, đồng bộ những yếu tố cơ bản này, việc gắn kết giữa khu vực ngoại thành và nội thành sẽ chặt chẽ và mang lại lợi ích kinh tế – xã hội to lớn.

Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học cho rằng, vùng ngoại thành có trọng trách cung cấp lương thực, rau, củ, hoa, quả… bảo đảm chất lượng tốt, sạch và an toàn; hình thành các khu vui chơi, giải trí sinh thái, nhà vườn, du lịch làng nghề, ẩm thực… phục vụ nội thành. Ngược lại, vùng nội thành là nơi trao đổi, cập nhật thông tin; cung cấp những sản phẩm công nghệ, đào tạo nhân lực và phục vụ cây, con, giống mới… để từng bước hiện đại hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông phẩm cho nông dân.

Hiện nay, dù mới đang ở bước khởi động thực hiện mô hình NTM nhưng trên thực tế đã hình thành nhiều vùng trồng rau, hoa, quả sạch ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Từ Liêm, Thanh Trì…; các khu du lịch lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử gắn với ẩm thực nổi tiếng ở Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức… trở thành những “điểm hẹn”, “cầu nối” quan trọng cho việc giao thương giữa nội và ngoại thành Hà Nội.

Đáng nói, với tốc độ đô thị hoá nhanh ở một số huyện ven đô như Hoài Đức, Từ Liêm, Thường Tín, Gia Lâm, Thạch Thất… đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư xây dựng khu đô thị, dịch vụ và phát triển công nghiệp cũng hứa hẹn những điểm sáng về NTM trong tương lai gần.

Ông Lê Thiết Cương nhận định, nếu giải quyết tốt những yếu tố nói trên sẽ phần nào tháo gỡ được những khó khăn về chỉ tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, chuyển đổi cơ cấu lao động… Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng lo ngại một số chỉ tiêu “khó” như khắc phục ô nhiễm môi trường; cấp nước sạch hợp vệ sinh; cán bộ xã đạt chuẩn; công tác quy hoạch… Vì vậy, việc triển khai thực hiện xây dựng NTM không dừng lại ở trách nhiệm của chính quyền, mà trong đó có vai trò rất lớn của mỗi người dân.