Phát hiện loài Thằn lằn ngón mới ở Đồng Nai

ThienNhien.Net – Mới đây, các nhà khoa học Đức, Nga và Việt Nam vừa công bố thêm một loài thạch sùng ngón mới giống <i>Cyrtodactylus</i> ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Loài thằn lằn mới được đặt tên theo địa điểm thu được mẫu chuẩn đầu tiên (Holotype), Vườn Quốc gia Cát Tiên, với tên khoa học là <i>Cyrtodactylus cattienensis</i> Geissler, Nazarov, Orlov, Boehme, Phung, Nguyen & Ziegler, 2009. Ngoài ra, mẫu chuẩn của loài còn được thu thập ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) và khu vực Núi Dinh (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Mô tả chi tiết của loài được đăng tải trên Tạp chí Zootaxa, số 2161 năm 2009.


Loài Thạch sùng ngón Cát Tiên – Cyrtodactylus cattienensis phân biệt với các loài thạch sùng ngón khác ở khu vực Đông dương bởi các đặc điểm sau: chiều dài thân tối đa 69mm; có một vạch đen ở gáy, kéo dài tới mép sau ổ mắt; thân, đuôi và chân có những vạch nhỏ, không xếp theo trình tự: 4-6 vạch sáng màu trên thân và 4-12 vạch trắng trên đuôi; nốt sần trên lưng xếp thành 16-22 dọc thân; 28-42 hàng vảy bụng ở ngang giữa thân; nếp da gấp bên sườn không phát triển hoặc biến mất, không có các nốt sần lớn; đuôi không dẹp, phần gốc đuôi không phình to, vảy sắp xếp thành dạng vòng; con đực có 6-8 lỗ trước hậu môn xếp liền nhau tạo thành góc tù; cả con đực và cái đều có một đám vẩy lớn nằm ở vùng trước hậu môn và có 3-8 vảy lớn nằm ở phía dưới mỗi bên đùi; không có lỗ đùi, không có rãnh trước hậu môn; vảy dưới đuôi nhỏ, không phình rộng theo chiều ngang.

Đây là loài thạch sùng ngón thứ tư được mô tả thuộc nhóm Cyrtodactylus irregularis complex bên cạnh các loài: Thạch sùng ngón vằn lưng – Cyrtodactylus irregularis (Smith mô tả năm 1921), Thạch sùng ngón giả bốn vạch Cyrtodactylus pseudoquadrivirgatus (Roesler và cộng sự mô tả năm 2008) và Thạch sùng ngón zig-lơ – Cyrtodactylus ziegleri (Nazarov và cộng sự mô tả năm 2008).

Loài này cũng là loài thạch sùng ngón thứ 18 ghi nhận ở Việt Nam. Riêng đối với tỉnh Đồng Nai, đây là loài thạch sùng ngón mới thứ hai được phát hiện kể từ năm 2008 bên cạnh loài Thạch sùng ngón huỳnh – Cyrtodactylus huynhi (Ngo & Bauer mô tả năm 2008).

Việc khám phá thêm một loài mới cho khoa học ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu và khu vực Núi Dinh đã khẳng định thêm giá trị đa dạng sinh học ở miền Nam Việt Nam và cung cấp thêm dẫn liệu khoa học để làm căn cứ đề xuất Vườn quốc gia Cát Tiên trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí “Đa dạng sinh học”