Giải pháp khoa học quản lý tài nguyên nước và môi trường

ThienNhien.Net – Trong 10 năm qua, Việt Nam đã nghiên cứu về dòng chảy môi trường nhưng đến nay vẫn bị giới hạn bởi lý thuyết và chưa áp dụng được vào thực tiễn quản lý. Cuối năm 2008, Chính phủ đã thực hiện một bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu phát bền vững tài nguyên nước bằng việc ban hành Nghị định 112 và Nghị định 120 về dòng chảy môi trường. Sau khi 2 Nghị định được ban hành, một thuật ngữ mới ra đời là "dòng chảy tối thiểu" thay cho "dòng chảy môi trường" trước đây.


Là người tham gia xây dựng quy trình dòng chảy tối thiểu, ông Trần Hồng Thái, Trung tâm tư vấn Khí tượng thuỷ văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Do những văn bản pháp lý liên quan đến dòng chảy tối thiểu là rất mới, nên cho đến nay chưa có một quy định nào về việc xác định dòng chảy tối thiểu ở nước ta. Vì thế, việc Trung tâm nghiên cứu và đề xuất quy trình xác định dòng chảy tối thiểu có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý, được coi như một giải pháp khoa học để quản lý bền vững tài nguyên nước và môi trường”.

Nhu cầu xác định dòng chảy tối thiểu xuất phát từ công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước cũng như bảo vệ môi trường. Do vậy, Trung tâm tư vấn Khí tượng thuỷ văn và môi trường đã xây dựng và đề xuất quy trình xác định dòng chảy tối thiểu và hướng tiếp cận dòng chảy sinh thái ở Việt Nam.

Dòng chảy tối thiểu là sự kết hợp của 3 thành phần dòng chảy không thể thiếu, đó là dòng chảy duy trì sông; dòng chảy sinh thái và dòng chảy cho nhu cầu sử dụng của các ngành. Theo đó, các bước xác định dòng chảy tối thiểu gồm 12 bước: thu thập các thông tin cho việc xác định các điểm kiểm soát; sơ bộ lựa chọn các điểm kiểm soát; tổ chức hội thảo tham vấn về vị trí các điểm kiểm soát; thu thập số liệu tại các điểm kiểm soát; xác định 3 dòng chảy thành phần của dòng chảy tối thiểu; sơ bộ xác định dòng chảy tối thiểu; đệ trình các giá trị của dòng chảy tối thiểu để phê duyệt; công bố công khai các giá trị dòng chảy tối thiểu trên lưu vực sông nghiên cứu; quản lý quá trình thực hiện dòng chảy tối thiểu….

Hiện nay, do các hoạt động phát triển quá mức, sự biến đổi của dòng chảy hiện tại so với các dòng chảy tự nhiên ngày càng trở nên đáng chú ý. Sự điều tiết chặt chẽ đã khiến cho dòng chảy trở nên cân bằng hơn; lưu lượng nước trong các con sông hiện tại cao hơn so với trước đây trong mùa cạn và thấp hơn trong mùa mưa.

Điều này có lợi cho việc sử dụng nước của con người, còn đối với môi trường, mực nước giữa hai mùa càng cân bằng thì những thiệt hại gây ra cho hệ sinh thái càng lớn. Nếu con người không tái điều chỉnh dòng chảy để đáp ứng các nhu cầu của môi trường, trong tương lai chi phí để khôi phục lại những dòng sông đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích mà việc điều tiết dòng chảy đem lại.