Thu thuế tài nguyên – Còn nhiều khó khăn và bất cập

ThienNhien.Net – Thời gian qua, việc triển khai các hoạt động thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào việc quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện thu thuế tài nguyên, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước thì cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra khai thác và xử lý nghiêm mọi trường hợp khai thác trái phép nguồn tài nguyên.


Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia khai thác với 43 mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Trong đó, danh mục các loại khoáng sản chủ yếu được khai thác thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên gồm: đá xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói, sét kaolin, đá Granite, Laterit, Puzơland, vật liệu san lấp. Số tiền thuế thu từ tài nguyên khoáng sản liên tục tăng hàng năm (năm 2006 đạt trên 36 tỷ đồng; năm 2007 trên 44 tỷ đồng và năm 2008 là 52 tỷ đồng). Trong số này, riêng khoản thuế tài nguyên chỉ gần 1/3, còn lại là thuế đất và phí môi trường. Báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản 6 tháng và hàng năm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cho thấy, tổng số thuế tài nguyên mà các doanh nghiệp đã nộp từ năm 2004 đến năm 2008 là 57.787 triệu đồng, trong đó thuế thu từ vật liệu đá xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (21,5 tỷ năm 2008).

Việc thu thuế tài nguyên tuy đã đạt được một số kết quả, song nhìn từ góc độ thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện chính sách thuế, việc tính thuế tài nguyên đang có nhiều bất cập và vướng mắc, nhất là vấn đề xác định sản lượng tính thuế. Đơn cử như việc tính thuế tài nguyên khoáng sản đá xây dựng. Theo điều 5 của nghị định 05/2009/NĐ-CP ngày 19/01/2009 của Chính phủ thì “sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng tài nguyên khai thác thực tế trong kỳ nộp thuế, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên”. Trên thực tế, đối với khoáng sản đá xây dựng thì sản lượng tính thuế tài nguyên thương phẩm thực tế tại nơi khai thác là đá nguyên khai (thường tính theo m3). Tuy nhiên, tùy theo dây chuyền công nghệ thiết bị sử dụng ở khâu chế biến mà đá nguyên khai đưa vào sản xuất sẽ có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Vì thế cùng một khối lượng đá khai thác, tùy theo kích cỡ của đá nguyên liệu sẽ có thể tích tương ứng khác nhau và làm thay đổi kết quả thu thuế tài nguyên.

Cũng theo nghị định 05 của Chính phủ thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác là đá nguyên khai. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp phần lớn không bán đá nguyên khai mà đưa vào chế biến thành các sản phẩm đá 4×6, 1×2, đá mi bụi…mỗi loại sản phẩm lại có giá bán khác nhau cho nên giá tính thuế tài nguyên là giá bán của đá nguyên khai phải được quy đổi từ giá bán của các loại đá khác nhau nên rất khó khăn, phức tạp cho việc tiến hành thu thuế. Bên cạnh đó, sự chênh lệch quá cao giữa biểu thuế suất quy định so với thực tế cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan tính thuế. Chẳng hạn, quy định khoáng sản không kim loại có khung biểu thuế suất (từ 3 – 15%). Với biên độ khá lớn này, khi nào tính thuế suất 3% và khi nào tính 15% là điều không đơn giản.

Tài nguyên vốn được xem là tài sản quốc gia và phần lớn không thể tái tạo được, vì thế để tận thu nguồn thuế từ tài nguyên theo ý kiến của các cơ quan chức năng thì cần tăng cường công tác kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc khai thác, đồng thời kiên quyết xử lý mọi trường hợp khai thác trái phép, góp phần quản lý, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.