Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi

ThienNhien.Net – Với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cho ngành nông nghiệp, chiều 03/09, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp các Bộ, ngành, đóng góp ý kiến cho Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng.


Trong thời gian qua, nhiều giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp và thủy sản được tạo ra, nhất là một số giống có ưu thế đã đưa vào sản xuất trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đến nay đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả… được dùng giống mới. Trong đó, có 90 cây trồng được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Nhờ vậy, năm 2008 so với năm 2000, năng suất lúa cả năm tăng 7,5 tạ/ha, ngô tăng 9,5 tạ/ha, mía tăng 103 tạ/ha, cà phê tăng 4 tạ/ha.

Đối với chăn nuôi, nhiều công thức lai giống lợn được công nhận đưa vào nghiên cứu và sản xuất đại trà, điển hình là lợn 3 máu và 4 máu ngoại của các dòng cao sản (Landrace, Yorshire, Pietrain, Duroc). Nhờ vậy, trọng lượng xuất chuồng tăng từ 55-58kg lên 68-72kg. Đã phát triển được đàn bò lai thịt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam…

Trong lâm nghiệp, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chọn tạo giống mới, nhân nhanh giống bằng công nghệ cấy mô, được đưa nhanh vào sản xuất, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng rừng. Riêng đối với thủy sản, đã áp dụng có hiệu quả công nghệ nhân giống nhân tạo một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao (tôm sú, tôm he, cá tra, ba sa, cua, nhuyễn thể 2 vỏ…). Giá trị tổng thu/ha/năm đối với mô hình 1 vụ lúa 1 vụ tôm đạt 45-50 triệu đồng, chuyên nuôi cá đạt 300-500 triệu đồng…

Vẫn thiếu giống có năng suất, chất lượng cao

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, so với yêu cầu sản xuất, số giống có năng suất, chất lượng cao thích hợp với các vùng sinh thái còn thiếu về chủng loại và giống đảm bảo tiêu chuẩn.

Hiện nay, trong cả nước về giống lúa còn thiếu các giống thuần có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; các giống kháng rầy, vàng lùn, lùn xoắn lá; các giống lúa có năng suất, chất lượng cao thích nghi với nhiều vùng sinh thái; giống cây ăn quả mới, đặc biệt là ở miền Bắc; giống rau cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; giống cây lâm nghiệp cao sản; giống trâu, bò thịt, bò sữa, gà thịt có năng suất và chất lượng cao; giống nhuyễn thể, cá biển… thích hợp cho nhiều vùng sinh thái.

Theo Bộ NN&PTNT, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Trung ương và địa phương là những tổ chức chính sản xuất và cung ứng giống phục vụ cho sản xuất đại trà nhưng cơ chế đầu tư chưa thực sự khuyến khích được các thành phần này tham gia vào chương trình giống.

Tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất của một số loại vật nuôi còn thấp: Giống tiến bộ kỹ thuật đối với bò thịt, dê được sử dụng trong sản xuất mới đạt khoảng 30%; gia cầm, lợn, tỷ lệ này đạt khoảng trên 50%. Đối với sản xuất giống cây lâm nghiệp hiện nay vấn đề yếu kém nhất là việc đưa giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đại trà còn yếu, nhiều khi còn mang tính tự phát; việc khảo nghiệm, khu vực hóa trong một số trường hợp còn thực hiện chưa nghiêm ngặt; …

Về thủy sản, các cơ sở sản xuất giống phần lớn là các trại quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa được đầu tư nhiều, nên lượng giống có tăng nhưng một số đối tượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu như cá tra, tôm thẻ chân trắng… và chất lượng giống còn chưa cao.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giống

Vì vậy, Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020 do Bộ NN&PTNTchủ trì xây dựng đều được các Bộ, ngành đánh giá là cần thiết và cần sớm hoàn thiện để trình Chính phủ. Đề án tập trung vào mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, thủy hải sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khuyến khích các thành phần kinh tế trong – ngoài nước đầu tư phát triển, để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và thu nhập của nông dân một cách bền vững.

Đề án cũng đưa ra 36 chương trình phát triển giống cho từng ngành, trong mỗi chương trình có dự kiến mục tiêu, nội dung và nhu cầu vốn đầu tư cụ thể. Ví dụ như đối với ngành trồng trọt có chương trình phát triển giống lúa thuần chất lượng cao, chương trình phát triển một số giống cây ăn quả chủ lực…; đối với ngành chăn nuôi có chương trình phát triển giống lợn, phát triển giống bò sữa, chương trình phát triển giống một số động vật quý hiếm…

Đóng góp ý kiến cho Đề án, đa số đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đều cho rằng, cần phải khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển giống cây nông lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nếu chỉ dựa vào các đơn vị nghiên cứu khoa học để tạo giống và các doanh nghiệp kinh doanh giống thì không thể phát triển. Do đó, cần phải huy động cả xã hội cùng tham gia, kể các doanh nghiệp nước ngoài, đẩy mạnh hơn việc xã hội hóa phát triển giống cây nông, lâm nghiệp vật nuôi và thủy sản; đầu tư sâu và mạnh vào công nghệ sinh học; thiết lập cơ chế để liên kết, mở rộng hợp tác với các nước có công nghệ sinh học phát triển.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến nhấn mạnh, phải xã hội hóa lĩnh vực này nếu không sẽ không đáp ứng được nhu cầu và không tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên, khi đã xã hội hóa thì giống cây nông, lâm nghiệp vật nuôi và thủy sản vẫn cần phải được sự quản lý của Nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, về cơ bản đây là Đề án tốt, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, lai tạo giống có năng suất, chất lượng cao là một vấn đề quan trọng; giống cũng là một loại hàng hóa trong đó chứa hàm lượng chất xám cao, vì vậy phải có chính sách, cơ chế cho từng đối tượng tham gia vào quy trình lai tạo giống như đối với Viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước, người dân…

“Làm thế nào để huy động được các thành phần tham gia vào phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi và thủy sản; định hướng cho địa phương phát huy được thế mạnh của mình và xây dựng được chương trình cụ thể cho vấn đề này.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một số mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2020:

– Đối với trồng trọt: Tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đối với lúa ở miền Bắc đạt 85%, miền Nam 70%; cây ngô đạt 98%; cây lạc, mía 70%; nhóm cây ăn quả có múi 50%; cây ca cao 110%…

– Đối với chăn nuôi: Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với bò thịt và dê đạt 70%, đối với lợn, gia cầm đạt 90%; bò sữa đạt 100%, tỷ lệ bò lai 50%.

– Đối với lâm nghiệp: Đảm bảo cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho rừng.

– Đối với thủy sản: Đảm bảo 75% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao được sản xuất trong nước.