Dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại.

ThienNhien.Net – Bên cạnh với tình hình cúm AH1N1 đang diễn biến phức tạp và lan rộng trong cộng đồng, ngành y tế nước ta lại đang tiếp tục phải ứng phó kịp thời trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh.


Hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bắt đầu từ tháng 7- 9 hàng năm, nhưng ngay trong 6 tháng đầu năm nay, dịch đã tăng mạnh trong cả 3 miền đất nước. Thống kê của Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho thấy, những địa phương “đầu bảng” về sốt xuất huyết mùa này gồm Bình Định – số mắc tăng 355%, Phú Yên tăng – 569%, Quảng Ngãi – 131%, Ninh Thuận – 186%, Bà Rịa – Vũng Tàu – 171%, Cần Thơ – 107%, TP.HCM – 55%, Kiên Giang -148%, Trà Vinh – 241%. Tại Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2009 đã ghi nhận 343 người mắc sốt xuất huyết, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2008. Phần lớn bệnh nhân là người lớn và trẻ em trên 15 tuổi. Ở nhiều điểm, mật độ muỗi gây sốt xuất huyết đã vượt ngưỡng gây dịch.

Thôn Triều Khúc (xã Tân Triều) là một trong những ổ dịch lớn của Hà Nội và cũng là điểm nóng nhất của huyện Thanh Trì mùa dịch sốt xuất huyết năm nay. Đã có 142 người mắc sốt xuất huyết từ khi bắt đầu có dịch. Nguyên nhân sốt xuất huyết lan nhanh là do ô nhiễm môi trường từ làng nghề buôn bán phế liệu, mật độ dân cư quá đông đúc, không gian sống chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ý thức người dân còn kém.
Trước tình hình diễn biến dịch tăng nhanh, ngành y tế cũng đã và đang cố gắng nỗ lực, tìm nhiều biện pháp cụ thể để đối phó với sự bùng phát của dịch, tuy nhiên không phải chỉ có mỗi ngành y tế mà còn phải có sự phối hợp từ địa phương và từ cả những người dân.

Ông Nguyễn Huy Nga cho rằng, từ tháng 04/2009 đến nay, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã có đủ kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi sớm, chiến dịch diệt lăng quăng, thông báo cấp hóa chất và nồng độ hóa chất cụ thể gửi các địa phương. Những địa phương có số mắc sốt xuất huyết tăng cao là do diệt lăng quăng, phun diệt muỗi chưa đạt hiệu quả. Nhiều địa phương đến khi dịch tăng cao mới tổ chức phun, diệt. Như thôn Triều Khúc (xã Tân Triều) là một điển hình, với số người mắc sốt xuất huyết cao, và là một ổ dịch của thành phố, tuy vậy trong thôn vẫn còn rất nhiều các vũng nước rộng tầm 10m, đen ngòm và hôi thối vì đây là nơi chứa nước thải sinh hoạt của nhiều thợ xây dựng lán tạm bên cạnh để thi công các khu nhà dang dở, thậm chí còn có cả các phế phẩm trong quá trình xây dựng. Chính đây là nơi tập trung rất nhiều loăng quăng, là mầm mống gây ra dịch sốt xuất huyết và gây ô nhiễm môi trường xung quanh nhà dân.

Vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp 70 tỉ đồng cho phòng chống sốt xuất huyết, đưa sốt xuất huyết trở lại chương trình mục tiêu quốc gia. Nhưng các địa phương vẫn còn rất lúng túng trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết vì vẫn còn thiếu kinh phí và còn chờ thông tư liên bộ hướng dẫn vì các hạng mục chi của phòng chống sốt xuất huyết và sốt rét không hoàn toàn giống nhau.

Không chỉ có địa phương và ngành y tế, dịch sốt xuất huyết đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của xã hôi, nên còn cần phải có cả sự phối hợp của những người dân trong công tác phòng, chống dịch. Hy vọng với sự vào cuộc của người dân trong công tác bảo vệ chính bản thân mình, dịch sốt xuất huyết sẽ không còn nguy cơ bùng phát và lan nhanh như hiện nay.