Phát triển rau an toàn vùng đồng bằng sông Hồng

ThienNhien.Net – "Cần phải xây dựng hệ thống sản xuất rau an toàn theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, góp phần vào việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khoẻ người tiêu dùng". Đây là đề tài được bàn luận sôi nổi tại Hội nghị phát triển rau an toàn vùng đồng bằng sông Hồng do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tổ chức tại Hưng Yên ngày 28/07. Tham dự có đại diện các cơ quan của Bộ NN&PTNT, các tỉnh thành phố vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình.


Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và đại diện các tỉnh thành phố: sản xuất rau an toàn trên địa bàn cả nước hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được qui hoạch còn rất thấp, chiếm khoảng 8,5% tổng diện tích trồng rau. Riêng vùng đồng bằng sông Hồng mới đạt hơn 14 nghìn ha tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương; trong khi nhiều tỉnh chưa đầu tư để qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn.

Sản xuất rau vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; các vùng trồng rau chưa có sự đầu tư về giao thông thủy lợi. Chưa được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp. Mối quan hệ giữa các ngành nông nghiệp – thương mại – y tế chưa chặt chẽ. Công tác kiểm tra chất lượng rau trên thị trường khó thực hiện, biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để răn đe người vi phạm. Về áp dụng qui trình kỹ thuật, đa số người sản xuất vẫn áp dụng qui trình trồng rau truyền thống và theo kinh nghiệm cổ truyền. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm chưa gắn với sản xuất; chưa hình thành các mối liên kết bền chặt giữa người sản xuất và người tiêu thụ; thị trường đầu ra cho rau an toàn chưa ổn định.

Giải pháp để phát triển các vùng rau an toàn là phải làm chuyển biến đồng bộ từ khâu sản xuất kinh doanh đến sử dụng theo một hệ thống mang tính chuyên nghiệp; coi trọng áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, sản xuất rau an toàn theo tiêu chí VietGAP. Cần có sự đầu tư của nhà nước về xây dựng hạ tầng, hỗ trợ đầu ra trong lưu thông sản phẩm; xây dựng ban hành qui trình sản xuất rau an toàn cho từng loại cụ thể, phù hợp với điều kiện từng địa phương; hướng dẫn nông dân thực hiện chặt chẽ các qui trình. Chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các HTX, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận rau an toàn với sử dụng thương hiệu nhà sản xuất. Tăng cường kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng; kịp thời ngăn chặn việc sử dụng phân tươi, nước ô nhiễm cho rau.