Mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh theo hướng GAP

ThienNhien.Net – Những năm qua, việc nuôi tôm sú bán thâm canh – thâm canh ở các ao nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá tôm sú thương phẩm giảm thấp và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn nước bị ô nhiễm do người dân sử dụng hóa chấy bừa bãi, hệ thống thủy lợi không đạt tiêu chuẩn, người dân không có ý thức công đồng…Nhằm góp phần nâng cao ý thức sản xuất có trách nhiệm của người nuôi, Trạm Khuyến nông Nhà Bè – Quận 7, thuộc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh đã trình diễn mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh theo hướng GAP tại 4 hộ Nguyễn Hữu Tư, Nguyễn Văn Chín, Lâm Thị Anh, Nguyễn Tấn Lợi thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.


Với thời gian nuôi 4 tháng (từ 02/2009 – 06/2009), diện tích 3 ha. Mật độ thả nuôi 15 con/m2, kích cỡ post 12, sử dụng thức ăn công nghiệp hiệu Tomboy. Với tỉ lệ sống đạt 60 – 70%, mỗi hộ thu hoạch gần 2 tấn tôm/ha/vụ. Với kích cỡ 70 – 80 con/kg, giá bán 60 – 80.000 đồng/kg, bình quân mỗi hộ lãi 50 – 60 triệu đồng/ha/vụ. Qua thời gian nuôi, các hộ tham gia đều hiểu rõ và có ý thức sản xuất theo mô hình GAP như: tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau trong công việc chung.

Nhận xét tại buổi lượng giá, TS Trần Viết Mỹ – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Để tạo ra một sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường là cả một quá trình hoàn thiện trong sản xuất. Chính mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh theo hướng GAP đang mở ra một hướng nuôi trồng thủy sản mới, bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định của mô hình sản xuất dựa trên sự quản lý và ý thức trách nhiệm chung của cộng đồng.

Do đó, các hộ nuôi tôm sú theo hướng GAP cần phải tuân thủ các quy trình như: quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học xử lý ao, chất lượng nước thải, quan hệ cộng đồng, quản lý sau thu hoạch, ghi chépnhật ký và quản lý hồ sơ… để tạo cơ sở pháp lý cho một sản phẩm an toàn, sạch cho người tiêu dùng.