Giải pháp cho nông dân khi con cá lại rớt giá

ThienNhien.Net – Nuôi cá chình, cá bống tượng những năm gần đây mang lại lợi nhuận rất cao cho nông dân. Từ mô hình này mà có nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Điển hình là các xã Tân Thành, An Xuyên (TP Cà Mau). Nơi đây được xem là rất thành công trong mô hình nuôi cá; sau đó các xã huyện lân cận khác học tập theo mô hình này, hiện nay thì phong trào này đã phát triển nhanh sang khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay, khi mô hình đang phát triển rộng khắp, thì một quy luật dường như muôn thuở lại tái diễn: cá chình, cá bống tượng trên thị trường hiện đang rớt giá mạnh làm các hộ nuôi phải lao đao và đang phân vân giữa việc tiếp tục nuôi chờ giá hay chuyển đổi sang mô hình khác.


Không chỉ nông dân ở vùng đất ngọt hóa mới nuôi mà ngay trên vùng đất mặn, lúa – tôm cũng có rất nhiều hộ bỏ con tôm chuyển sang nuôi cá chình, cá bống tượng và một số loại cá khác. Toàn tỉnh hiện có 741 ha nuôi cá chình, 509 ha nuôi cá bống tượng, số hộ nuôi tăng lên trong khi giá cá đang rớt thê thảm. Cụ thể, cá loại 1 trước đây giá từ 320.000 đồng/kg – 350.000 đồng/kg, nay giảm còn khoảng từ 170.000/kg – 180.000/kg. Thậm chí cá không có đầu ra, trong khi giá thức ăn cho cá tăng cao, bình quân mỗi ha nuôi cá lỗ hơn 30 triệu đồng.

Nhiều hộ đã đến lứa thu hoạch cá nhưng không thể cho xuất ao vì sợ lỗ. Thế nhưng, những hộ đang còn cá trong ao nuôi thì cũng đang phải lao đao vì chi phí thức ăn; để có được 1 kg cá thịt trung bình bà con nông dân phải tốn khoảng 10kg thức ăn.

Ông Võ Văn Be, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước than thở: “Trước đây với 25 công đất tôi làm một vụ lúa, một vụ tôm, nhưng do điều kiện thổ nhưỡng, đất đai canh tác không hiệu quả. Tham quan mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng ở nhiều nơi, thấy có lãi tôi đầu tư 5 ao nuôi cá. Hiện nay, giá cá giảm đáng kể, cá lại chưa xuất ao được, chắn chắn lại phải chịu lỗ”.

Ông Nguyễn Quang Khải ở xã Tân Thành, là một trong những người có kinh nghiệm nuôi cá chình với 12 ao nuôi cho biết: chưa bao giờ cá chình, cá bống tượng lại rớt giá đến vậy. Tôi và những hộ xung quanh đây cũng phải chịu lỗ. Nay người dân không dám bán, cứ chờ giá cá lên, nhưng tiền mua cá mồi không phải rẻ nên chúng tôi buộc phải cho cá ăn với mật độ thưa hơn. Trước đây, giá cá rất cao do ít người nuôi, nay nhà nhà đều nuôi nên cung vượt cầu là lẽ tất nhiên.

Hiện nay, để cho người nuôi cá có lãi vấn đề cốt lõi là phải khắc phục được tình trạng cung cầu không cân đối. Đồng thời, trong thời buổi giá cá biến động như hiện nay, nhiều người nuôi cá phải tính toán, cân đối lại nguồn nuôi. Người nuôi cá phải tính đến việc nuôi với mật độ thưa tránh ô nhiễm nước vừa không phải tốn chi phí cho việc tát ao, đồng thời nuôi thưa cá sẽ lớn nhanh, ít bệnh, không phải tốn tiền mua hóa chất xử lý ô nhiễm ao nuôi. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản phải được hình thành và được quản lý, công tác thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ thủy sản phải kịp thời, đầy đủ. Có như thế bà con nông dân mới an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.