Vệ sinh an toàn thực phẩm – Chiến lược lâu dài và bền vững

ThienNhien.Net – Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng, hiện đang là mối quan tâm của chính quyền các cấp và mỗi người dân. Làm tốt công tác VSATTP sẽ góp phần hạn chế các dịch bệnh và các vụ ngộ độc do thực phẩm ô nhiễm gây ra, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Vừa qua, Ban Chỉ đạo (VSATTP) thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác VSATTP năm 2008, đồng thời triển khai kế hoạch hành động 2009.

Thực tế cho thấy, trong năm qua trên địa bàn thành phố không để xảy ra vụ ngộ độc lớn và không có trường hợp tử vong do ngộ độc. Để có được kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ban ngành đoàn thể trên địa bàn thành phố mà trong đó ngành Y tế là đơn vị thường trực.

Tại Hội nghị này PGS.TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo VSATTP cho biết, về công tác quản lý do có sự phân cấp rõ ràng, đặc biệt lãnh đạo chính quyền các cấp trực tiếp là Trưởng Ban chỉ đạo VSATTP của địa phương mình nên việc triển khai các hoạt động tương đối thuận lợi. Các ban ngành liên quan như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an có sự phối hợp thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động VSATTP trên lĩnh vực mình quản lý.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý, hướng dẫn, cấp 42 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với tổng diện tích là 217,3 ha và 9 cơ sở kinh doanh rau an toàn; Cấp 378 chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú ý, 45 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh văcxin, duy trì 11 trạm kiểm dịch động vật, kiểm tra tại 86 lò mổ, điểm giết mổ với 533.500 con gia súc, gia cầm; Xét nghiệm 84 mẫu tìm Melamin trong thức ăn chăn nuôi, sữa tươi và trứng gia cầm, đạt yêu cầu 100%…

Sở Công thương đã tích cực trong việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện kinh doanh gia cầm mổ sẵn và các sản phẩm gia cầm sạch” cho 190 cơ sở; Quản lý các chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn; Sở đã phối hợp với các ngành, quận, huyện và doanh nghiệp triển khai xây dựng 4 nhà máy giết mổ gia súc, gia cẩm và hiện đã đưa vào sử dụng 3 nhà máy; Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, giám sát thị trường các mặt hàng bánh, kẹo, mứt tết, bánh Trung thu, đồ uống, thực phẩm chế biến và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.

Là đơn vị thường trực trong công tác bảo đảm VSATTP cho người dân, lãnh đạo Sở cũng như các cán bộ y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và thanh tra y tế đã phối hợp với Cục VSATTP của Bộ Y tế mở nhiều đợt thanh, kiểm tra thức ăn đường phố, nguồn gốc các nguyên liệu chế biến thực phẩm, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, vệ sinh nhà hàng, khách sạn…

Toàn Thành phố đã thành lập 653 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra 43.547 cơ sở, xử lý 4.947 cơ sở trong đó 475 cơ sở có vi phạm bị phạt tiền trị giá hơn 366 triệu đồng. Những nỗ lực đó đã đem lại chuyển biến đáng kể trong việc bảo vệ VSATTP cho người dân. Trong thời gian qua tỷ lệ cơ sở thức ăn đường phố đạt yêu cầu VSATTP từ 65,8% năm 2001 tăng lên 84 % năm 2008. Năm 2008, Ngành Y tế đã cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 904 cơ sở, Chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm mới cho 567 sản phẩm, gia hạn cho 196 sản phẩm.

Ngay từ đầu năm, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, thanh tra ngành và TTYT Dự phòng đã mở nhiều lớp tập huấn VSATTP cho người trực tiếp sản xuất và kinh doanh thực phẩm về 3 bước kiểm thực từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến và thành phẩm tại bàn ăn, vệ sinh các dụng cụ chế biến thức ăn, các yêu cầu về sức khoẻ đối với người chế biến. Các buổi thanh, kiểm tra VSATTP tại các khách sạn, nhà hàng lớn đã được triển khai thường xuyên. Cho đến thời điểm này theo đánh giá của đoàn thanh tra liên ngành hầu hết các nhà hàng, khách sạn đều chấp hành tốt các yêu cầu về VSATTP.

Sở Y tế cũng đã phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình kiểm soát thức ăn đường phố tại 30 xã, phường thuộc 16 quận, huyện, 2 xã xây dựng mô hình truyền thông cộng đồng thay đổi tập quán lạc hậu, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Qua triển khai cho thấy các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có sự chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về VSATTP. Các hoạt động truyền thông về VSATTP cho người dân được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như treo panô, áp phích , băng rô, khẩu hiệu, cấp phát băng đĩa tuyên truyền các loại tới quận, huyện, xã, phường phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn; Từ thành phố tới các quận, huyện đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng VSATTP. Qua các hoạt động này, nhận thức của người dân về VSATTP được nâng lên, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Những kết quả trên đã và đang làm cho người dân phấn khởi và yên tâm hơn về vấn đề VSATTP. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác đảm bảo VSATTP của thành phố vẫn còn gặp những khó khăn thách thức: ý thức trách nhiệm về VSATTP của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống còn chưa cao, nguồn thực phẩm sạch của những vùng quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu của Thành phố… Trong kế hoạch hành động năm 2009, Ban chỉ đạo VSATTP thành phố đề ra mục tiêu, phấn đấu 85% người sản xuất, 80% người kinh doanh thực phẩm, 100% cán bộ quản lý và 80% người tiêu dùng có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP.

Mong rằng, với những nỗ lực của các cấp các Ngành, đặc biệt là ý thức của người dân những khó khăn trên sẽ được giải quyết và mục tiêu đề ra sẽ trở thành hiện thực. Công tác đảm bảo VSATTP sẽ là một trong những chiến lược lâu dài và bền vững của thành phố góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người dân Thủ đô.