Tiềm năng lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản

ThienNhien.Net – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đưa ra Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 để xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Theo Chương trình này, đến năm 2020, nuôi trồng thủy sản sẽ trở thành ngành sản suất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng đảm bảo tính cạnh tranh cao. Và nuôi trồng sẽ là lĩnh vực chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Năm 2008, diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng lên hơn một triệu ha và sản lượng đạt gần 2,4 triệu tấn, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 4,5 tỷ USD.

Năm 2009: Có thể xuất khẩu 70.000 tấn cá tra sang Nga

Tính từ khi thị trường Nga mở cửa trở lại (04/2009) đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 7.500 tấn cá tra sang Nga. Hiện giá xuất khẩu cá sang Nga là 3,1 USD/kg thành phẩm.

Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng ban điều hành xuất khẩu thủy sản vào Nga cho biết, đến tháng 07/2009, sản lượng xuất khẩu sẽ là 15.000 tấn. Đặc biệt, trong tháng này, Việt Nam sẽ xuất thêm 2.000 tấn cho một số mặt hàng khác. Tại Hội chợ Thủy sản Việt Nam (Vietfish), hai bên đã bàn bạc phương hướng tăng cường hợp tác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga với đa dạng sản phẩm như cá fillet đóng gói 1 kg bao bì thường, bao bì in, thịt cá vụn, cá nguyên con, cá cắt khúc. Những sản phẩm này sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị tại Nga.

Theo ông Minh, xuất khẩu sang Nga có thể tăng lên bởi tháng 7 này, Nga đóng cửa đối với thị trường Chilê, Trung Quốc, Canada. Đây là cơ hội để xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga. Ước tính cả năm nay, xuất khẩu cá đi Nga sẽ đạt 70.000 tấn. “Đây là điều có thể đạt được trong tầm tay”, ông Minh khẳng định.

Tuy nhiên, để giữ vững và phát triển lâu dài thị trường này, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải thực hiện tốt cam kết về chất lượng, đảm bảo không trợ giá, phá giá gây xáo trộn trong thương mại bằng cách giảm chất lượng. Đây cũng là một trong những nội dung của dự thảo về quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Nga khi thành lập nên Ủy ban xuất khẩu sang thị trường này.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga chỉ xuất khẩu hàng tự chế biến và đóng gói; không cho phép mua bán, gia công, hay nhận ủy thác xuất khẩu, thỏa thuận nhượng lại sản lượng kể cả từ các doanh nghiệp có code xuất khẩu vào Nga, tỷ lệ mạ băng trong sản phẩm cá tra fillet đông lạnh không được vượt quá 20%…

Về số lượng, các doanh nghiệp thống nhất sản lượng xuất khẩu hàng tháng và đảm bảo xuất đủ số lượng như đã phân công xuất khẩu. Ban điều hành sẽ họp các doanh nghiệp để cùng quyết định sản lượng, giá cả và phân công cho các doanh nghiệp. Với những quy tắc ứng xử này, ông Minh cho rằng việc xuất khẩu sang Nga sẽ mang tính ổn định. Không như trước đây, các doanh nghiệp hai bên tự mua bán dẫn đến hiện tượng chất lượng không đồng bộ, giá cả bị xáo trộn.

Cũng theo ông Minh, bên cạnh thị trường Nga, nhiều thị trường khác đã cho thấy tín hiệu lạc quan trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm. Như thị trường Đông Âu, số lượng nhập khẩu những tháng đầu năm tăng 3 – 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Mêxicô tăng sản lượng lên gấp rưỡi so cùng kỳ. Thị trường Brazil cũng đã bắt đầu chính thức nhập khẩu cá từ Việt Nam.

Ông Minh dự báo, xuất khẩu sẽ tăng số lượng từ tháng 8 trở đi và xuất khẩu cá tra, basa năm nay có thể đạt 1,3 tỷ USD. Con số này cao hơn so với dự báo từ VaSep (1 tỷ USD). Hiện kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đã đạt 477 triệu USD.