Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

ThienNhien.Net – Chiều ngày 16/06, Ban chỉ đạo Nghiên cứu Chiến lược phát triển liên kết TP. Đà Nẵng và vùng phụ cận (DaCRISS) đã tổ chức phiên họp lần 3 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – Văn Hữu Chiến và ông Yoshifumi Omura, đại diện cao cấp của Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA). Cùng tham dự có ban cố vấn và đoàn nghiên cứu của JICA, đại diện Ngân hàng Thế giới, các viện nghiên cứu, UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và các cơ quan liên quan tại thành phố Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, đoàn nghiên cứu đã trình bày chiến lược phát triển liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT), thảo luận về cơ chế phối hợp, chia sẻ vai trò giữa các tỉnh trong vùng, đề xuất ý tưởng xây dựng và xác định hướng phát triển bền vững cho VKTTĐMT và thành phố Đà Nẵng.

Qua khảo sát cho thấy VKTTĐMT có ưu thế về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng về văn hóa, có vị trí chiến lược trong lãnh thổ và Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tiềm năng về nguốn nhân lực có chất lượng và được Chính phủ cam kết hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo. Tuy nhiên, do hạn chế về dân số và thu nhập thấp nên thị trường chỉ mang tính địa phương, nằm cách xa các trung tâm tăng trưởng cạnh tranh là các VKTTĐ bắc-nam, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng về mặt giao thông vận tải, liên kết công nghiệp và lưu chuyển con người, hàng hóa vẫn còn yếu so với Vùng KTTĐ Bắc bộ và Vùng KTTĐ phía nam, thiếu cơ sở hạ tầng, thường xuyên đối mặt với thiên tai, môi trường bị suy thoái và thiếu nguồn nhân lực có chất lượng.

Trên cơ sở đó, đoàn đã đề xuất 06 chiến lược phát triển cơ bản cho vùng KTTĐMT: tăng cường kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế (qua đường hàng không với sân bay có tính cạnh tranh và dịch vụ vận tải hiệu quả), thiết lập hành lang vận tải ven biển cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị trên tuyến hành lang này, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa khu vực đô thị và nông thôn, xây dựng các chiến lược phát triển phối hợp về kinh tế và quản lý vùng, tăng cường sự hỗ trợ của trung ương vào phát triển hạ tầng và có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư.

Xét về tầm nhìn, cần xây dựng một hình ảnh vùng KTTĐMT hấp dẫn với thế giới, thể hiện ý tưởng phát triển của Việt Nam trong tương lai, và quan trọng là vùng KTTĐMT phải khác biệt so với VTKTTĐ Bắc bộ và VKTTĐ phía nam, nơi mà tính bền vững đang bị đe dọa. Do vậy, cần phát triển vùng theo hướng cạnh tranh về kinh tế, hài hòa về xã hội, bền vững về môi trường thông qua tăng cường liên kết ở cấp vùng KTTĐMT.