Ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên

ThienNhien.Net – Tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân cho Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên, Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo, trình Chính phủ. Bộ Tài chính là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện đăng tải Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của tổ chức, cá nhân về Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của Dự thảo Luật Thuế tài nguyên. Một số ý kiến cũng góp ý xây dựng, bổ sung đối với quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, miễn giảm thuế…

Về một số ý kiến đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng chịu thuế tài nguyên, Ban soạn thảo cho rằng, hiện chưa có căn cứ để xác định được căn cứ tính thuế đối với một số loại tài nguyên, như không khí, vùng biển, vùng trời, các nguồn năng lượng…, nên trong phạm vi Dự án Luật này chỉ đề xuất điều chỉnh các tài nguyên hữu hình, các tài nguyên được liệt kê tại pháp luật chuyên ngành về tài nguyên khoáng sản.

Tiếp thu ý kiến về việc xác định người nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, Ban soạn thảo đã sửa đổi Điều 3 Chương I như sau: “Trường hợp doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế tài nguyên…”.

Bản chất thuế tài nguyên chỉ đánh vào đối tượng trực tiếp khai thác chứ không phải người thu gom, khai thác nhỏ, lẻ (chủ yếu là người dân nghèo, khai thác nhỏ lẻ, thủ công một số loại tài nguyên có giá trị thấp), vì thế với ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng này là người nộp thuế, Ban soạn thảo đề nghị vẫn thực hiện theo Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cũng như quy định tại Dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng việc quy định khung thuế suất đối với khoáng sản kim loại là quá rộng (5-30%), Ban soạn thảo xét thấy, khoáng sản kim loại hầu hết là tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và không tái tạo được, hiện đang bị khai thác quá mức cho phép, do vậy, việc quy định khung thuế suất tạo điều kiện Chính phủ điều hành linh hoạt đối với hoạt động khai thác tài nguyên…

Với đề nghị bổ sung miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng để sản xuất nước sạch, phục vụ nông lâm, ngư nghiệp và sinh hoạt, mặc dù Dự thảo Luật không có quy định miễn loại thuế này, tuy nhiên, tại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành cũng như dự kiến trong tương lai khi được ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ đã và sẽ quy định: “Nước thiên nhiên (trừ nước dưới đất) dùng sản xuất nước sạch, dùng phục vụ các ngành nông nghiệp…” áp dụng thuế suất 0%…