Hội nghị Đa dạng Sinh học Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Đông Nam Á chỉ chiếm 3% diện tích trái đất nhưng lại chiếm tới hơn 20% số các loài động thực vật và sinh vật biển đã được biết đến. Ba trong số các nước có đa dạng sinh học cao gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin cũng nằm trong khu vực. Nguồn đa dạng sinh học đó khiến cho khu vực này trở thành một phần quan trọng trong sự bền vững môi trường toàn cầu.

Thực trạng đa dạng sinh học ở khu vực này hiện ra sao? Hệ động thực vật của Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức nào và điều đó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của hơn 500 triệu người? Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ sự đa dạng sinh học cho chính chúng ta và cho các thế hệ mai sau? Đó là một vài trong số nhiều vấn đề sẽ được giải đáp tại Hội nghị Đa dạng sinh học Đông Nam Á diễn ra từ 21 đến 23 tháng 10 tới tại Xinh-ga-po.

Hội nghị với chủ đề “Tiêu điểm đa dạng sinh học năm 2010 và tương lai xa hơn” sẽ do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Asean (ACB) và Công viên Quốc gia Xinh-ga-po ACB 2009 phối hợp tổ chức.

Hội nghị được coi là một trong những cuộc họp quan trọng, sự kiện được mong chờ nhất năm 2009 của ngành môi trường, nơi các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, những nhà nghiên cứu khoa học cấp cao, những người giữ vai trò chính trong việc duy trì đa dạng sinh học Đông Nam Á sẽ thảo luận về các xu hướng, các vấn đề nổi cộm và các mối quan tâm về bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học.

Chủ tịch ACB, Rodrigo Fuentes phát biểu: “Năm 2002, những người tham gia hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Phát triển Bền vững đã cam kết tới năm 2010 sẽ đạt mục tiêu giảm mức độ suy thoái đa dạng sinh học trên quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia như một sự đóng góp vào công cuộc giảm đói nghèo, vì sự sống trên trái đất. Cũng như các mục tiêu trong hội nghị 2010 sắp tới, các mục tiêu đã đặt ra trong hội nghi thượng đỉnh 2002 cần được đánh giá và báo cáo kết quả tới cộng đồng toàn cầu”.

ACB sẽ cung cấp một diễn đàn để trao đổi các sáng kiến có thể giải quyết vấn đề đa dạng sinh học trong khu vực và thảo luận các đề xuất cho chương trình nghị sự về đa dạng sinh học Đông Nam Á trong phạm vi cuộc hội thảo.

Phiên họp toàn thể sẽ đưa ra các văn kiện quan trọng về tình trạng đa dạng sinh học của Đông Nam Á cũng như các nỗ lực bảo tồn của Bru-nây, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Phi-lip-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Việt Nam.

Hội nghị sẽ tổ chức đồng thời các chủ điểm sau: “Đa dạng sinh thái và biến đổi khí hậu”, “Nguyên lý kinh tế của hệ sinh thái và đa dạng sinh học – sự đóng góp của Đông Nam Á” và “ Tiếp cận các nguồn gen và chia sẻ công bằng lợi ích phát sinh từ sử dụng nguồn gen”.