Đề xuất Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau thành khu dự trữ sinh quyển

ThienNhien.Net – Từ ngày 25-29/052009, UNESCO sẽ chính thức xem xét, quyết định đối với hồ sơ của Việt Nam đề nghị công nhận Mũi Cà Mau và Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại kỳ họp lần này, Ủy ban UNESCO Việt Nam sẽ đệ trình hai hồ sơ đề nghị công nhận Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển (khu DTSQ) thế giới. Các hồ sơ này được đánh giá cao.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) cho hay, theo lời mời của trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO (phụ trách khoa học tự nhiên) và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội An sẽ cử đại diện tham gia phái đoàn Việt Nam dự kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc) từ ngày 25 – 29/05/2009.

Hội nghị sẽ thảo luận các hoạt động chung của Chương trình MAB cũng như việc xây dựng khu dự trữ sinh quyển thành những mô hình phát triển bền vững. Đặc biệt, hội nghị lần này sẽ xem xét các hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong đó có hai hồ sơ của Việt Nam đề cử UNESCO công nhận Mũi Cà Mau và Cù Lao Chàm (Hội An) là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, nhìn chung hai hồ sơ này đã được các chuyên gia UNESCO đánh giá có triển vọng. Cù Lao Chàm thuộc TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có đầy đủ những yếu tố cơ bản để được công nhận trong lần này.

Tuy nhiên kết quả cuối cùng còn phụ thuộc chất lượng bảo vệ hồ sơ của cơ quan đề cử và quyền quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO và Hội đồng Điều phối quốc tế lần này.

Theo hồ sơ đề nghị công nhận Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù Lao Chàm nằm cách Hội An 19km về phía biển Đông (thuộc xã đảo Tân Hiệp), gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, lớn nhất là Hòn La với tổng diện tích 15km2, là nơi có dân cư sinh sống với dân số 3.000 người thuộc các thôn Bãi Làng, Cấm, Bãi Oong và Bãi Hương. 85% thu nhập của dân đảo là từ nguồn lợi biển (đánh bắt thuỷ sản).

Cù Lao Chàm có 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước với sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Trong đó có 500ha rong, tảo, cỏ biển, 5 thảm cỏ biển, 8 thảm rong biển; 165ha san hô gồm khoảng 188 loài, 61 giống và 13 họ; khoảng 202 loài cá thuộc 85 giống, 36 họ. Sự đa dạng loài của các sinh vật đáy lớn bao gồm các loài thân mềm, loài giáp xác, động vật da gai và các loài giun nhiều tơ với mật độ trung bình 259 cá thể/400m2