Tiết kiệm năng lượng ở Bà Rịa Vũng Tàu: Doanh nghiệp còn thờ ơ

ThienNhien.Net – Tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp không chỉ mang lại ý nghĩa kinh tế cho chính các doanh nghiệp sử dụng năng lượng, mà còn có tác dụng đến đời sống xã hội, trong bối cảnh nguồn năng lượng thiên nhiên ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Mặc dù doanh nghiệp nào cũng mong muốn tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí, thế nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp có biện pháp hiệu quả để tiết kiệm năng lượng không nhiều.

Vấn đề sống còn

Theo tính toán của Sở Công thương Bà Rịa Vũng Tàu, các nguồn năng lượng chính được sử dụng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn là điện, xăng, dầu. Trong 3 nguồn năng lượng này thì hiện nay điện năng được sử dụng nhiều nhất, chiếm tỷ trọng hơn 80%. Trong sản xuất công nghiệp, lĩnh vực chiếm 64,23% trong cơ cấu kinh tế năm 2008 của tỉnh (trừ dầu thô) thì tỷ trọng sử dụng điện năng cũng chiếm tới 68,35% so với các ngành nghề khác.

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng thiên nhiên ngày càng hạn hẹp, tình trạng thiếu năng lượng đã và chắc chắn sẽ xảy ra, vấn đề tiết kiệm năng lượng càng trở nên cấp bách. Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Riêng đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, chỉ tiêu trong giai đoạn 2008 – 2010 là phấn đấu tiết kiệm 3 – 5% tổng mức tiêu thụ điện năng so với dự báo hiện nay về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế – xã hội. Hàng loạt biện pháp được triển khai tới tận doanh nghiệp như: chú trọng đến kiểm toán năng lượng, tổ chức hội thảo về các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giới thiệu những thiết bị tiết kiệm năng lượng, phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp…

Việc làm này đã có tác động cụ thể đến nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh chi phí sử dụng năng lượng ngày càng đắt đỏ. Một số doanh nghiệp đã tự có những sáng kiến hoặc nhờ sự trợ giúp của các đơn vị tư vấn nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu. Tiếc là số doanh nghiệp này chưa nhiều, mỗi doanh nghiệp lại tự áp dụng các biện pháp một cách manh mún, chắp vá, không theo quy trình nhất định nên hiệu quả chưa cao.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Năm 2007, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh tư vấn cho Sở Công thương thực hiện một đề án tiết kiệm năng lượng cho một số doanh nghiệp tiêu biểu thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng như nước đá, vật liệu xây dựng, chiếu sáng công cộng, khối văn phòng tòa nhà… Theo tính toán, mỗi ngành đều có thể tiết kiệm hơn 20% tổng chi phí sử dụng năng lượng như hiện tại. Thế nhưng, sau đề án này, mặc dù đã được giới thiệu những biện pháp thực tế và phù hợp, hầu hết các doanh nghiệp trong đối tượng thử nghiệm đều không triển khai được. Chẳng hạn như ngành nước đá, mức tiêu thụ năng lượng điện vào khoảng 3 – 3,2kWh/cây nước đá, nếu đầu tư thay mới hệ thống máy móc có thể tiết kiệm xuống chỉ còn 2,8kWh/cây nước đá (thực tế Nhà máy nước đá Châu Long – thị xã Bà Rịa đã thực hiện), nhưng không mấy doanh nghiệp mặn mà với giải pháp này. Lý do là phải đầu tư một khoản tiền lớn (cho dù thời gian hoàn vốn không quá dài). Chính việc “sợ” thay đổi này đã khiến ngành sản xuất nước đá hiện nay lâm vào tình trạng giá thành tăng quá cao, đặc biệt là khi giá điện tăng.

Năm 2008, Sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng Enerteam tổ chức tư vấn và triển khai kiểm toán năng lượng cũng như hỗ trợ các giải pháp tiết kiệm ngay tại doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Enerteam cho biết, việc hỗ trợ này hoàn toàn miễn phí do được một tổ chức nước ngoài và nguồn ngân sách tỉnh đài thọ. 2 doanh nghiệp ngành thủy sản áp dụng đã có được hiệu quả rất khả quan, tiết kiệm hơn 10% chi phí sử dụng năng lượng. Thế nhưng, cả tỉnh hiện nay cũng chỉ có 2 doanh nghiệp này tranh thủ được nguồn hỗ trợ này. Nhiều doanh nghiệp nghe đến kiểm toán năng lượng là từ chối vì “sợ” hai từ “kiểm toán”!?

Cũng trong năm 2008, hãng sản xuất bóng đèn Philips hỗ trợ lắp đặt 30 bóng đèn 2 công suất trên đường 3-2, TP. Vũng Tàu. Hiệu quả đã được Sở Công thương và các ngành nghiệm thu và tổ chức triển khai tới tận các doanh nghiệp trong ngành chiếu sáng công cộng. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các công ty phải xây dựng kế hoạch thay thế bóng đèn cao áp cũ bằng bóng đèn 2 công suất. Thế nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có vài doanh nghiệp nộp kế hoạch thay bóng đèn lên Sở Công thương.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thiết bị tiết kiệm năng lượng do các doanh nghiệp: Rạng Đông, Philips, An Phú… sản xuất, trong đó có nhiều loại thiết bị sử dụng riêng cho các nhà máy sản xuất công nghiệp. Tuy vậy, nhiều loại sản phẩm ra đời lại không được doanh nghiệp biết tới. Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm điện năng – thuộc Công ty TNHH An Phú cho biết: Công ty có dòng sản phẩm Power Eco, tiết kiệm hơn 15% tiền điện/tháng, áp dụng cho các ngành sản xuất công nghiệp và chiếu sáng. Nhưng sản phẩm này cũng không nhiều doanh nghiệp biết tới, mặc dù Công ty TNHH An Phú đã liên hệ trực tiếp tới từng doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Năm 2009, yêu cầu tiết kiệm năng lượng sẽ cao hơn nữa do áp lực của tình hình kinh tế và giá điện, nước tăng lên. Được biết Sở Công thương sẽ triển khai chuyên đề riêng về tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề kiểm toán năng lượng, để mọi doanh nghiệp đều được thụ hưởng và triển khai áp dụng. Hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ chú tâm hơn đến các biện pháp tiết kiệm năng lượng, vừa giảm giá thành sản xuất cho đơn vị, vừa chia sẻ với xã hội trong bối cảnh các nguồn năng lượng thiếu hụt.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công thương: Nhận thức của doanh nghiệp chưa cao
Thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay không phải là chi phí mà lại là nhận thức của doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chưa đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu. Năm 2009, Sở sẽ triển khai nhiều giải pháp để các doanh nghiệp có ý thức hơn trong vấn đề tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công – Sở Công thương sẽ được bổ sung chức năng hỗ trợ tiết kiệm năng lượng để triển khai các giải pháp, trong đó chú trọng đến kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp (có kiểm toán, doanh nghiệp mới biết mình sử dụng năng lượng lãng phí như thế nào để tiết kiệm hiệu quả).

Ông Bùi Xuân Hải, Quyền Giám đốc Trạm nghiền xi măng Cẩm Phả, KCN Mỹ Xuân A: Công nghệ càng cao càng tiết kiệm năng lượng
Nhà máy nghiền xi măng tại trạm nghiền Cẩm Phả hiện nay không chỉ quy mô lớn nhất nước mà còn có công nghệ cao nhất, công nghệ Twin horo mill (2 máy nghiền chạy chung 1 máy phân ly). Công nghệ này không chỉ mang lại chất lượng sản phẩm tốt hơn mà còn tiết kiệm năng lượng rất nhiều so với các công nghệ nghiền bi và nghiền trục đứng, đang sử dụng nhiều ở Việt Nam. Chẳng hạn, với công nghệ nghiền bi, năng lượng điện sử dụng vào khoảng 45 – 48 kWh/tấn sản phẩm, công nghệ trục đứng là 35-38 kWh/tấn, còn công nghệ horo mill là 24 kWh/tấn sản phẩm. Sử dụng công nghệ cao chính là cách tiết kiệm năng lượng và chống ô nhiễm môi trường tốt nhất hiện nay.