Đồng Nai: Nhân rộng mô hình luân canh lúa và ngô ở Xuân Lộc

ThienNhien.Net – Huyện miền núi Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đang nhân rộng mô hình luân canh lúa và ngô thay cho mô hình trồng 3 vụ lúa hoặc 3 vụ ngô trong năm như trước đây. Mô hình này được đầu tư hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi và xây dựng các hình thức câu lạc bộ (CLB) năng suất cao, liên minh CLB năng suất cao để tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa cho thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu/ha/năm.

Người đi đầu trong việc thực hiện luân canh ở Xuân Lộc là anh Lý Phát Sáng, người Hoa ở ấp Tây Minh, xã Lang Minh. Trước đây, gia đình anh chuyên trồng lúa 2 vụ trên diện tích 2 ha. Mặc dù mất nhiều công chăm sóc nhưng do trồng bằng các giống lúa địa phương nên năng suất năm cao nhất chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha/vụ.

5 năm trở lại đây, anh Sáng đã tìm hiểu các mô hình trồng lúa và trồng ngô lai và được Trạm Khuyến nông huyện tận tình giúp đỡ về kỹ thuật, gia đình anh đã đưa giống lúa lai vào trồng vụ hè thu, vụ mùa, đồng thời trồng ngô lai trong vụ đông xuân. Với mô hình 2 lúa + 1 ngô/năm này đã cho năng suất lúa tăng 2 lần và ngô đạt 8 tấn/ha/vụ, gia đình anh lãi 60 triệu đồng/ha/năm. Với số tiền này và vay thêm ngân hàng, bạn bè, gia đình anh mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất và hiện có gần 8 ha đất chuyên canh tác 3 vụ/năm, với lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm. Hiện anh còn tiếp tục đầu tư nhiều máy móc để thực hiện cơ giới hóa nhiều khâu trong sản xuất để giảm chi phí, với mong muốn sẽ tăng lợi nhuận lên gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Trạm Khuyến nông huyện Xuân Lộc còn xây dựng thêm nhiều mô hình luân canh ở các xã khác với cơ cấu cây trồng 2 ngô lai + 1 lúa hoặc 1 ngô + 2 lúa trên cơ sở các xã đã có các CLB năng suất cao. Đặc biệt vụ hè thu là vụ sản xuất chính trong năm, huyện đã khuyến cáo nông dân tăng cường trồng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao như OMCS 2000, OM 4498, OM 35-36, IR 50404 và giống bổ sung OM 4900, AS 996 cùng các giống ngô lai C 919, DK 141, CP 333 có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao.

Ngoài ra, trên các diện tích luân canh cần áp dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng” (giảm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế). Theo tính toán của các kỹ sư nông nghiệp, khi dụng phương pháp “3 giảm, 3 tăng” nông dân sẽ bớt được 1/3 chi phí đầu vào so với canh tác truyền thống, trong khi năng suất cây trồng cao hơn.

Cũng thời gian qua, huyện Xuân Lộc đã hỗ trợ 32 ha trồng giống lúa lai PAC807 làm điểm ở các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Phú, Xuân Thọ với phương châm Nhà nước hỗ trợ tiền giống 100%. Đến nay phần lớn diện tích lúa đạt năng suất từ 8-9 tấn/ha và đang được nhân rộng trong các hộ nông dân.