Tiền Giang: Hiệu quả từ mô hình khuyến ngư tại Tân Phú Đông

ThienNhien.Net – Trong năm 2008, cùng với cá tra, người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng chịu ảnh hưởng của cơn lốc “trúng mùa – rớt giá”. Sản lượng đạt cao nhưng giá bán rất thấp có thời điểm giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Rớt giá không phải do khủng hoảng thừa mà còn do nhiều yếu tố khác tác động. Người nuôi tôm thu lãi ít hoặc hòa vốn là đã may lắm rồi chứ nói gì thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên khi đến ấp Gảnh, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông nghe nói có hộ thu lãi 120 triệu đồng trên diện tích 0,7ha từ nuôi tôm sú chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Hỏi ra mới biết đó chính là hộ ông Nguyễn Văn Hanh, cư ngụ tại ấp Gảnh với diện tích 4ha nằm trong khu đê bao của Dự án 230ha nuôi thủy sản thuộc huyện Tân Phú Đông. Do kinh tế khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên ông đã cho thuê toàn bộ diện tích mặt nước hiện có của mình, chỉ để lại 0,7ha mặt nước để gia đình nuôi thủy sản. Năm 2006, ông Hanh cùng bà con tại ấp Gảnh được tham dự lớp huấn luyện kỹ thuật nuôi tôm sú do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh (nay là Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền Giang) tổ chức. Nhờ được tập huấn dài ngày với hình thức cầm tay chỉ việc nên bà con nông dân tiếp thu rất kỹ và ngay vụ đầu tiên 100% hộ dân ứng dụng đều thắng lợi, thu lợi nhuận từ 20 – 150 triệu đồng/hộ. Riêng 0,7ha mặt nước của ông Hanh được chọn làm mô hình trình diễn khuyến ngư để phục vụ lớp huấn luyện vừa học lý thuyết vừa xem và thực tập thực tế đến cuối vụ thu hoạch thu lãi 120 triệu đồng.

Qua trao đổi, ông Hanh vui vẻ cho biết từ khi được học ở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú đến nay, năm nào ông cũng thắng lớn từ việc nuôi tôm sú, cụ thể năm 2006 thu lãi 120 triệu đồng, năm 2007 thu lãi 200 triệu đồng và năm 2008 thấp hơn 120 triệu đồng do giá bán giảm. Ông Hanh cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong nuôi tôm như nắm vững kỹ thuật, theo dõi tôm thường xuyên để kịp thời xử lý, cải tạo ao nuôi thật tốt trước khi nuôi, điều chỉnh môi trường ao nuôi phù hợp… Đạc biệt, ông rất chú ý đến yếu tố thị trường để quyết định chọn hình thức nuôi thả dày hay thưa, thời gian nuôi để có cỡ tôm phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra cần phải tìm mọi biện pháp giảm thiểu chi phí từ khâu mua giống đến sử dụng thuốc, hóa chất xử lý và chọn mua con giống nhằm đề phòng khi giá bán có giảm vẫn đảm bảo được lợi nhuận.

Thực tế trong công tác khuyến nông khuyến ngư thời gian qua có một vấn đề đặt ra là: Có bao nhiêu hộ áp dụng theo khuyến cáo kỹ thuật của khuyến nông khuyến ngư? Số hộ áp dụng đạt hiệu quả là bao nhiêu? Thật khó trả lời vì công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật khuyến nông khuyến ngư được thực hiện qua nhiều kênh thông tin và bằng nhiều hình thức tập huấn, hội thảo, tham quan, xây dựng mô hình…

Để giải đáp được vấn đề trên cần phải có sự nghiên cứu ở từng địa phương và nhiều mốc thời gian khác nhau. Tuy nhiên từ những hộ như ông Hanh và chứng kiến sự thay đổi hàng ngày trong kỹ thuật sản xuất nông nghiệp – thủy sản của người dân nơi đây thì cũng có thể đánh giá được phần nào hiệu quả chuyển giao và mức độ ứng dụng các tiến bộ khoa học của người dân vào sản xuất để làm lợi cho bản thân, gia đình và xã hội.