Hội nghị tham vấn vùng về nước và vệ sinh khu vực Mê-kông

ThienNhien.Net – Ngày 20/04, tại Hà Nội, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học của 3 nước Campuchia- Lào- Việt Nam, cùng các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đã tham dự hội nghị tham vấn vùng về nước và vệ sinh khu vực Mê-kông do Cơ quan định cư Con người của Liên hiệp quốc tổ chức (UN-HABITAT).

Hội nghị này nằm trong khuôn khổ của Chương trình Nước và Vệ sinh tiểu vùng Mê-kông (MEK-WATSAN) do UN-HABITAT thực hiện, nhằm đưa nhanh các sáng kiến hỗ trợ 3 nước Campuchia- Lào- Việt Nam được cung cấp các dịch vụ sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh cho mọi người, nhất là những người nghèo; đồng thời phối hợp, bảo vệ, khai thác sử dụng bền vững hiệu quả và công bằng nguồn nước giữa các nước ở khu vực này. Đặc biệt, UN-HABITAT mong muốn đưa các sáng kiến triển khai nhanh chóng giúp đỡ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ đề ra.

Ông Andre Dzikus, Trưởng ban Ban nước và Vệ sinh của UN-HABITAT cho biết: Nếu chúng ta không đáp ứng được nước sạch hợp vệ sinh cung cấp cho người dân sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh sản, suy dinh dưỡng, các bệnh liên quan đến nước mà còn không đạt được các mục tiêu khác của Chương trình Phát triển Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Hiện UN-HABITAT đã triển khai các dự án “khẩn cấp” trong khuôn khổ MEK-WATSAN ở 17 đô thị vừa và nhỏ; đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi chương trình cho ít nhất là 8 đô thị nữa ở 3 quốc gia này. Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là đến năm 2015 giảm một nửa số dân chưa được hưởng các dịch vụ cải thiện về cấp nước và vệ sinh. Trong khi đó, khu vực Mê-kông hiện là ngôi nhà chung của 250 triệu người đang phải đối mặt với những khó khăn lớn để đạt được các tiêu chí trong lĩnh vực nước và vệ sinh trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ở Lào có 100 trên tổng số 145 thị xã, thị trấn chưa được cấp nước và ở Campuchia chỉ có 11% dân số có dịch vụ vệ sinh. Ở Việt Nam mặc dù 70% dân số đô thị đã được cấp nước sạch, nhưng ở các thị trấn thị tứ tỷ lệ cấp nước chỉ đạt 30 – 40%.

Theo Bộ Xây dựng, hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam hiện nay chủ yếu là thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải. Trong 10 năm trở lại đây, hệ thống thoát nước của các đô thị Việt Nam đã có những bước đầu tư lớn nhằm cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước, giảm ngập úng cục bộ, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Song với áp lực gia tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc xây dựng các chính sách cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, từng bước cải tiến quy trình lập kế hoạch, quy hoạch đáp ứng quá trình đô thị hoá nhanh chóng.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận về những thác thức trong lĩnh vực nước và vệ sinh, những sáng kiến trong khu vực, kế hoạch hành động của từng quốc gia, phương thức triển khai thực hiện… Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 22/04.