Xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020

ThienNhien.Net – Ngày 31/03/2009, tại Cát Bà, Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020”. Bộ đã cùng với các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm, Sở NN&PTNT… đưa ra chiến lược phát triển ngành thủy sản từ nay cho đến năm 2020.

Theo Trung tâm nghề cá thế giới, đến năm 2020, nhu cầu thủy sản thế giới trên 183 triệu tấn. Trong đó, các nước đang phát triển chiếm 77% tổng sản lượng tiêu thụ thủy sản toàn cầu. Năm 2008, tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD.

Ngành thủy sản phấn đấu phát triển với mục tiêu trở thành ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu với các chỉ số tăng trưởng năm 2010, sản lượng tăng bình quân 2,15%, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 – 5,0 tỷ USD; năm 2015, sản lượng tăng 2,76% năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,0 tỷ USD; đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,0 tỷ USD với khối lượng thành phần xuất khẩu đạt 1,8 tỷ tấn/4,7 tấn nguyên liệu thủy sản, chiến 74,6%.

Chiến lược phát triển sẽ dựa theo nguyên tắc tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và bền vững, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, an ninh xã hội và an toàn sinh thái. Kết hợp chặt chẽ phát triển thủy sản với quốc phòng.

Tuy ngành vẫn còn nhiều bất cập, rủi ro và không bền vững nên cần chú trọng về chất lượng và giá trị hơn mở rộng về diện tích và tổng sản lượng, chủ động sản xuất giống thủy sản đối với các loài nuôi chủ lực; đẩy mạnh đánh bắt xa bờ. Đồng thời, toàn ngành chủ trương tập trung phát triển công nghệ, mở rộng quy mô nuôi thâm canh, bán thâm canh, công nghiệp cho các đối tượng phục vụ xuất khẩu.

Về thị trường và xúc tiến thương mại: củng cố, phát triển các thị trường chính; tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để cải tiến và đa dạng hóa hàng hóa, sản phẩm thủy sản. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, sản xuất giữa 4 khu nhà và lồng ghép vấn đề “tam nông” nhằm hạn chế rủi ro về thị trường và nguồn vốn sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám nhấn mạnh, cần đánh giá, rút kinh nghiệm trong 50 năm qua để có những chiến lược đúng đắn. Phát triển một số sản phẩm chủ lực như các sản phẩm đặc sản, mang tính chất bản địa đồng thời rà soát lại các chương trình dự án từ đó đưa ra các chương trình dự án mới trên cơ sở các dự án đã có.

PGS.TS Lê Tiêu La, Viện phó Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, việc làm cần thiết nhất hiện nay là xây dựng ngay một chiến lược phát triển ngành thuỷ sản mang tính quy hoạch tổng thể, đồng bộ. Có như vậy, ngành thuỷ sản nước ta mới phát triển bền vững và xứng với tiềm năng thế mạnh vốn có của mình.

Cũng theo PGS.TS Lê Tiêu La, khâu chủ yếu của ngành thuỷ sản Việt Nam hiện nay là công tác quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thuỷ sản còn chưa có định hướng rõ ràng, dẫn tới việc thừa thiếu nguyên liệu thường xuyên xảy ra. Điều này đã làm cho ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác và nuôi trồng thuỷ sản còn yếu kếm; hàm lượng khoa học – công nghệ trong các sản phẩm và kết quả sản xuất còn thấp dẫn tới năng lực cạnh tranh hàng hóa thuỷ sản chưa cao. Công tác khuyến ngư và thuỷ sản còn yếu về năng lực, kinh nghiệm và kiến thức…

Trước mắt, để đạt được mục tiêu kế hoạch trong năm 2009, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương rà soát lại diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo các điều kiện cho các vùng nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, nuôi sinh thái; điều chỉnh quy mô sản xuất cá tra, tôm các loại theo thị trường, các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi đầu tư nâng cao năng lực các các cơ sở sản xuất giống chất lượng và sạch bệnh, đủ cho sản xuất. Mặt khác, các tỉnh còn đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tập trung, phát triển các hình thức liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp.

Sau 20 năm đổi mới, ngành thuỷ sản nước ta đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, thu hút được nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư phát triển ngành thuỷ sản. Tốc độ tăng trưởng ngành thuỷ sản luôn ở mức độ cao từ 6 – 10% năm tính từ 1985 – 2008. Theo đó, sản lượng thuỷ sản cũng không ngừng tăng lên, năm 1985 đạt 1,161 triệu tấn, đến năm 2008 đã lên tới 4,6 triệu tấn (tăng gần 4 lần). Trong đó, khai thác hải sản tăng 2,35 lần; nuôi trồng thuỷ sản tăng 8,82 lần./.