Xây dựng đập nước – người nghèo chịu thiệt

ThienNhien.Net – Việc xây dựng những đập nước lớn nhằm sản xuất điện và cung cấp nguồn nước sạch cho người dân, nhưng chính các cộng đồng dân cư nghèo nhất thế giới lại là người chịu thiệt trong những dự án này.

Mười năm trước, đất nước nhỏ bé có địa hình đồi núi Lesotho ở phía Nam Châu Phi đã trở thành quốc gia xuất khẩu nước – ngay cả khi nước này chưa đủ nước sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước, vốn chịu nạn hạn hán liên miên và phần lớn chưa được sử dụng nước sạch. Trên thực tế, năm 2007 Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế dành viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Lesotho nhằm cung cấp nước sạch cho người dân và vật nuôi.

Khi đập Kaste – đập nước cao nhất của Châu Phi và là đập nước đầu tiên trong dự án cung cấp nước cho cao nguyên Lesotho bắt đầu dẫn nước hàng dặm qua núi tới vùng trung tâm công nghiệp Nam Phi, quốc gia nhỏ bé này bắt đầu xuất khẩu nước. World Bank tài trợ cho dự án này với hi vọng nhờ nguồn nước dồi dào, Lesotho có thể tạo nguồn thu phục vụ cho các chương trình xóa đói giảm nghèo bằng cách bán nước cho các nước láng giềng. Ngoài những hỗ trợ tài chính của ngân hàng thế giới, các tổ chức khác như Cục Đảm bảo Tín dụng Xuất khẩu của chính phủ Anh (ECGD) cũng tham gia quyên góp 3.5 tỷ USD cho giai đoạn đầu tiên của dự án đồ sộ này.

Tuy nhiên, trong khi lợi ích mà dự án hứa hẹn mang lại cho Lesotho còn rất mập mờ thì thực tế đất nước này đã phải chịu nhiều hệ lụy khi môi trường bị suy thoái, các loài cá và thực vật bản địa đang có nguy cơ tuyệt chủng. Dự án này đã khiến ít nhất 27 000 người trong vùng cao nguyên mất nhà ở, ruộng đồng và các nguồn tài nguyên quan trọng khác. Và nguồn nước uống, công việc đồng áng và nghề cá của hơn 150 000 người khác cũng bị ảnh hưởng bởi lưu lượng nước bị suy giảm.

Thu nhập từ việc xuất khẩu nước được đưa vào quỹ phát triển để “chia sẻ sự giàu có” tuy nhiên bản thân quỹ này lại bị kẹt trong mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền và các tổ chức tài trợ. Kết quả là quỹ đã bị đóng vào năm 2003.Bất chấp điều khoản trong hợp đồng qui định dự án không được đẩy người dân địa phương vào cảnh nghèo khổ hơn, chương trình đền bù đã được thực hiện kém hiệu quả khiến những người mất kế sinh nhai không được đền bù thỏa đáng. Người dân bị bần cùng hóa, chán nản do cuộc sống thiếu ổn định, lại bị ảnh hưởng bởi căn bệnh nguy hiểm HIV Aids do những công nhân nhập cư xây dựng đập nước mang đến, kết quả là ngày càng có nhiều trẻ mồ côi phải tự bươn chải nuôi sống bản thân.

“Họ hứa hẹn với chúng tôi rằng dự án sẽ giúp cải thiện đời sống, nhưng thay vào đó chính lòng tự trọng của chúng tôi bị phá hủy.” – một thành viên của nhóm “Những kẻ sống sót từ dự án đập Lesotho (SOLD) chia sẻ.
Như rất nhiều những dự án xây dựng lớn khác, nạn tham nhũng trở nên rất phổ biến và một vài công ty danh tiếng đã bị phát hiện mua chuộc các quan chức của dự án để được trúng thầu. Trong dự án này, tòa án Lesotho đã buộc tội một số công ty tư vấn kỹ thuật quốc tế vì tội hối lộ.

Lịch sử các đập nước lớn ở châu Phi gắn liền với nhiều bi kịch. Những dự án này đã đẩy rất nhiều người rơi vào tình trạng nợ nần, mất công bằng xã hội tăng cao, môi trường bị suy thoái, và các nguồn tài nguyên bị khai thác đến cạn kiệt cho các dự án phát triển quy mô nhỏ hơn. Hiện nay rất nhiều đập nước đang được thi công ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhận được sự hỗ trợ từ các nước phương tây và sự đầu tư ngày càng tăng lên từ phía các công ty của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Nhóm hỗ trợ khu vực tư nhân của Ngân hàng thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng đầu tư Châu Âu hỗ trợ 800 triệu USD cho dự án xây dựng đập nước Bujagali đang gây nhiều tranh cãi. Đập nước đang xây dựng gần thác nước bên sông Nile tại Uganda. Bên cạnh những ảnh hưởng đến các loài cá có nguy cơ bị tuyệt chủng và cộng đồng dân cư địa phương, người ta đang đặt ra nhiều câu hỏi e ngại về khả năng cung cấp năng lượng của chúng. Frank Muramuzi, hiệp hội các chuyên gia môi trường quốc gia tại Uganda bày tỏ lo ngại: “Dự án có chi phí quá cao sẽ hạn chế các quỹ tài trợ cho chương trình điện khí hóa nông thôn. Uganda đã phải chịu mức giá năng lượng cao nhất trong khu vực, và giá điện mới đây cũng đã tăng lên gấp đôi, khiến nhiều người không thể mua được điện để sử dụng trong thị trường điện vốn đã khan hiếm tại quốc gia này”.

Các nghiên cứu cho thấy tình trạng trái đất nóng lên có thể làm giảm dòng chảy của hồ Victoria, ảnh hưởng đến nhà máy thủy điện ở Bujagali làm cho dự án càng khó được thực hiện.

Tại Mozambique, Trung Quốc và Brazil có thể sẽ hợp tác để xây dựng một đập nước mới trên sông Zambezi, làm giảm hiệu quả của những dự án phục hồi vùng châu thổ sông Zambezi cùng nguồn cá giàu có, môi trường sống của động vật hoang dã và đất nông nghiệp nhờ cho khơi dòng tự nhiên trên các đập nước hiện tại.

Nhưng dự án kếch xù mà các công ty trên khắp thế giới đang háo hức trông chờ chính là Grand Inga, dự án xây dựng đập nước lớn nhất thế giới, do Cộng hòa dân chủ nhân dân Congo đề xuất. Với chi phí ước tính cho dự án lên tới khoảng 80 triệu USD, Grand Inga sẽ là cơ hội cho những kẻ tham nhũng tại khu vực bất ổn bậc nhất tại châu Phi này. Khoản tiền 80 triệu USD không hề bao gồm chi phí cho mạng lưới phân phối cần có để cung cấp năng lượng cho cộng đồng dân cư nằm trong vùng dự án. Khai khoáng, khai thác gỗ và các ngành công nghiệp khác hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích trong khi những người nông dân và ngư dân nghèo sống nhờ vào dòng chảy của những con sông này và lớp trầm tích phù sa giàu dinh dưỡng sẽ vẫn là những người chịu thiệt.
Để đẩy lùi đói nghèo thì việc đáp ứng những nhu cầu về năng lượng và nước sạch là cực kỳ cấp thiết, tuy nhiên, chẳng có một tín hiệu nào cho thấy những đập nước khổng lồ kia sẽ đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu này của người dân. Thật đáng buồn cho tình trạng hiện tại bởi những người nghèo đang bị đẩy ra ngoài lề trong cuộc cạnh tranh giành quyền kinh doanh xây dựng những đập nước này.