Sau 2010, cả nước áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

ThienNhien.Net – Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam là một chính sách được thiết kế hoàn chỉnh mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngày 06/03, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị cho biết, chi trả dịch vụ môi trường được coi là một động lực chính cho việc quản lý môi trường. Hiện công tác này đang ngày càng trở nên phổ biến ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam là một chính sách được thiết kế hoàn chỉnh, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đang được áp dụng thực hiện thí điểm ở hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, nhằm tổng kết những kinh nghiệm về chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hoàn cảnh Việt Nam và rút ra kinh nghiệm để xây dựng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở cấp quốc gia, áp dụng cho cả nước từ sau năm 2010.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phú, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ), vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng (FPES) ở Việt Nam được đề cập rất nhiều trong quá trình soạn thảo các chính sách về lâm nghiệp từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước nhưng vì điều kiện kinh tế và bối cảnh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn đó không thuận lợi để ban hành một chính sách thông thoáng có tính chất đổi mới, mở cửa như Quyết định 380/QĐ-TTg (Quyết định nhằm mục đích cụ thể hoá nội dung của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và chiến lược lâm nghiệp của Việt Nam đến năm 2020) hiện nay.

Đặc biệt, khi chuẩn bị ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng được chính phủ Việt Nam quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến năm 2008 Luật Đa dạng Sinh học được Quốc hội nước Việt Nam thông qua, có hiệu lực. Vấn đề dịch vụ môi trường cũng được quan tâm và lồng ghép để triển khai Luật Đa dạng sinh học.

Để thực hiện tốt việc áp dụng trên toàn quốc chi trả dịch vụ môi trường rừng các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân cần hiểu rõ hiệu quả của vấn đề này trong việc hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cho ngành năng lượng, ngành cấp nước, bảo tồn đa dạng sinh học và các chính sách phát triển giảm nghèo. Bởi những mục tiêu mà chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hướng tới nhằm phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết vấn đề môi trường.

Các giải pháp chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ có tính thực tiễn cho việc hài hòa hóa giữa bảo tồn và phát triển, nhằm bảo tồn tài nguyên rừng, cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình làm nghề rừng và nông lâm kết hợp, đặc biệt là người nghèo.