Sử dụng nước hiệu quả là chìa khoá tiết kiệm năng lượng

ThienNhien.Net – Theo Peter Gleick, chuyên gia thuộc Học viện Thái Bình Dương (một Tổ chức chuyên nghiên cứu vấn đề nước toàn cầu), đối với các khu vực đòi hỏi hao tốn điện năng cho việc bơm và phân phối nước thì các chính sách cắt giảm lượng nước tiêu thụ có thể đối phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn việc yêu cầu các doanh nghiệp và các hộ gia đình giảm mức tiêu thụ điện.

Ông Gleick cho biết trên thực tế một số dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính có chi phí thấp nhất không phải là các chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, mà nhờ việc sử dụng nước hiệu quả. Cụ thể như người tiêu dùng có thể tiết kiệm chi phí điện nhiều hơn bằng việc giảm sử dụng nước nóng, thay vì phải mua mới các thiết bị tiết kiệm điện năng.

Có thể thấy rõ các lợi ích của việc sử dụng nước hiệu quả ở bang California của Mỹ và Trung Quốc, nơi mà tình trạng khan hiếm nước đang trở thành vấn đề khẩn cấp và nạn hạn hán có thể còn tồi tệ hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hiện trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai, khi người ta tìm đến những biện pháp giải quyết các vấn đề nước tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

Ở bang California, nơi hạn hán đang đe doạ mùa màng năm thứ 3 liên tiếp, chính quyền bang đã cắt giảm 20 – 30% lượng nước phân phối vào mùa đông và cảnh báo về “cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất trong lịch sử”. Tình trạng thiếu nước đang buộc người nông dân nơi đây giảm sản lượng và cắt giảm lao động trong tình hình nền kinh tế vốn đã ảm đạm.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Hội đồng năng lượng bang California năm 2007, việc vận chuyển, dự trữ và xử lý nước tiêu tốn khoảng 19% tổng điện năng tiêu thụ toàn bang. Để nhanh chóng mở rộng các cụm đô thị ở miền nam bang California, người ta đã phải bơm nước ở độ sâu 610m qua dãy núi Tehachapi phía bắc Los Angeles.

Từ năm 2001, ông David Zoldoske, giám đốc Trung tâm Công nghệ Tưới Tiêu thuộc Đại học Fresno (bang California) đã nỗ lực phổ biến cho người nông dân ở trung tâm California về cách bảo dưỡng máy bơm. Với sự giúp đỡ của công ty cung cấp điện và nước, dự án đã giúp tăng hiệu suất của một số hệ thống bơm tưới tiêu, tiết kiệm tới 19,4 triệu Kwh mỗi năm, từ 2002 đến 2005.

Tuy nhiên, trận hạn hán gần đây có thể làm giảm những thành quả đã đạt được. Người nông dân hiện đào giếng ngày càng sâu hơn, và ở một số hạt người ta đang nghiên cứu các dự án trồng cây rửa mặn. Cả hai biện pháp này đều khiến cho việc sử dụng năng lượng tăng đáng kể.

Ông Zoldoske cho biết: “Khi người dân không còn nước dùng thì họ cũng sẽ không còn quan tâm tới hoá đơn tiền điện…và tại đây, ở bang Califorina, chúng ta đang lâm vào một tình cảnh khó khăn. Khi người dân còn có thể sử dụng nước một cách hiệu quả hơn, họ sẽ lựa chọn điều đó, nhưng sự tồn tại và tính ổn định của nguồn nước lại là vấn đề đáng lo ngại hơn.”

Ở Trung Quốc, hạn hán đang lan rộng khắp vành đai lúa mỳ phía bắc, và gần 4 triệu người không được sử dụng nước sạch. Sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp “hiếm có trong lịch sử” vào đầu tháng này, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch phóng tên lửa kết mây vào không trung để tạo mưa nhân tạo, thay đổi tình trạng khô hạn của sông Dương Tử và sông Hoàng Hà.

Nhiều vùng ở Trung Quốc ở trong tình trạng rất gần với định nghĩa của Gleick về “nhu cầu nước cực đại” – một thuật ngữ miêu tả tình trạng nước ở các tầng nước ngầm bị tiêu thụ nhanh hơn quá trình bổ sung, hoặc vấn đề liên quan đến việc sử dụng nước đang huỷ hoại hệ sinh thái địa phương.

Trong buổi giới thiệu báo cáo hai năm “Nước trên thế giới” tại trung tâm Woodrow Wilson, Washington, D.C tuần trước, Gleick phát biểu: “Trung Quốc là một điển hình cho diễn biến tồi tệ nhất về vấn đề nước trên thế giới. Các nguồn nước đang bị khai thác, sử dụng quá mức và bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải dân sinh và công nghiệp.”

Để đối phó với tình trạng thiếu nước của quốc gia, năm 2001, chính phủ Trung Quốc đã khởi động dự án trị giá 62 tỷ USD vận chuyển nước ngược từ miền Nam lên miền Bắc với mục đích vận chuyển nước từ sông Dương Tử tới các vùng khô cằn phía Bắc theo các trục đường phía Đông, miền Trung và phía Tây. Nếu dự án này hoàn thành (con đường phía Tây mới bắt đầu triển khai), Trung Quốc sẽ cần tới một lượng lớn năng lượng để bơm nước đi khắp đất nước.

Gleick cho biết: “Cần rất nhiều năng lượng để vận chuyển, xử lý, làm sạch và sử dụng nước. Do vậy bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để giảm năng lượng đáp ứng cho các nhu cầu về nước cũng nên đi đôi với việc giảm khí nhà kính.”
 
Năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã đề ra ưu tiên cắt giảm 20% “cường độ sử dụng năng lượng”. Xét lại cả quá trình thì thấy việc sản xuất và cung cấp nước ngày càng tiêu tốn ít năng lượng hơn. Theo một nghiên cứu công bố năm 2008 trên tạp chí “Chính sách về nước” thì cường độ sử dụng năng lượng đã giảm khoảng 30% từ năm 1997 tới năm 2004. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng dự đoán rằng khi Trung Quốc theo đuổi những cam kết mở rộng các nhà máy xử lý nước khắp đất nước, thì lượng tiêu thụ điện sẽ tăng.

Ông David Roland – Holst, một nhà kinh tế học thuộc Đại học California ở Berkeley, đồng tác giả của nghiên cứu trên cũng cho biết: “Giảm mật độ đô thị và mật độ sử dụng nước có thể giúp dự trữ cả nước và năng lượng… tiết kiệm chi phí điện nước cho các hộ gia đình và tạo công ăn việc làm trong nền kinh tế .”