“Cảm ứng đột biến” – Kỹ thuật gây giống mới giúp hàng triệu người thoát nghèo

ThienNhien.Net – Mới đây, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sử dụng phương pháp gây giống cây truyền thống bằng phóng xạ để nâng cao sản lượng, giúp hàng triệu người trên thế giới đang trong cảnh đói nghèo.

Kỹ thuật này có tên là cảm ứng đột biến, được sử dụng từ những năm 1920, an toàn và hiệu quả. Những loài cây tạo ra bằng phương pháp này có thể thích nghi với hạn hán, lũ lụt và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cũng như có thể chống bệnh tật và sâu hại.

Mohamed ElBaradei, tổng giám đốc IAEA cho biết: “việc lựa chọn các loại cây trồng tốt hơn cung cấp lương thực cho chúng ta là khoa học cổ xưa nhất của loài người. Nhưng chúng ta đã quên đầu tư để ứng dụng đại trà.”

Trong phương pháp này, các nhà khoa học áp dụng tác nhân đột biến – như tia gamma – để tăng tốc cho quá trình gây giống. Không giống như biến đổi gen (trong đó cấu trúc gen bị thay đổi), đột biến cảm ứng thúc đẩy quá trình thay đổi tự nhiên của cây.

Trong nhiều năm qua, IAEA đã hợp tác với tổ chức Nông lương thế giới FAO của liên hợp quốc để giúp đỡ các nước thành viên sản xuất lương thực an toàn sản lượng cao hơn bằng công nghệ hạt nhân.

IAEA đã tham gia tạo nên hơn 3.000 loại cây khác nhau từ 200 loài cây, có cả lúa mạch trồng ở độ cao 5.000m và lúa phát triển mạnh trong vùng đất ngập mặn.

Chỉ riêng Nhật Bản, theo ước tính với khoảng 70 triệu USD phát triển cây trồng gây giống bằng cảm ứng đột biến đã thu lợi 62 tỷ đôla trong hơn 40 năm, từ năm 1959 đến 2001.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay xảy ra vào thời điểm nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất đang suy thoái, biến đổi khí hậu đang gây ra các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và thế giới đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

IAEA tin rằng kỹ thuật mới cảm ứng đột biến sẽ giúp giảm gánh nặng của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đang đe dọa hàng triệu người dưới mức sống 1 USD/ngày.