Giải pháp nào cho túi ni-lông?

ThienNhien.Net – Tác hại của túi ni-lông đối với môi trường gần đây được nhắc đến rất nhiều và không còn là điều quá xa lạ đối với toàn xã hội. Cần giảm thiểu sử dụng túi ni-lông – đó là điều không phải bàn cãi, nhưng giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu sử dụng túi ni-lông vẫn là vấn đề mà cả những nhà hoạt động vì môi trường, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và người dân còn đang tranh luận. Góp thêm một diễn đàn, tháng 9-11/2008, ThienNhien.Net đã mở cuộc thăm dò ý kiến độc giả với câu hỏi ”Giải pháp nào hữu hiệu nhất để giảm thiểu sử dụng túi ni-lông?”. Tổng số 1077 độc giả tham gia cuộc thăm dò chưa phải là con số lớn, song đó là ý kiến của những người yêu môi trường và quan tâm tới vấn đề sử dụng túi ni-lông. Bài viết này xin được mượn những con số thăm dò ấy như một cái cớ để cùng nhìn lại các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông.


Nghiêm cấm sản xuất và buôn bán túi ni-lông

Tác hại nghiêm trọng của túi ni-lông đối với môi trường khiến nhiều nước trên thế giới đã nghiêm cấm sản xuất và buôn bán túi ni-lông ở các mức độ và quy mô khác nhau, tùy điều kiện kinh tế xã hội của mình. Thủ đô Dhaka của Bangladesh là thành phố đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng túi ni-lông từ năm 2002; những chiến dịch tương tự như cấm hoặc hạn chế sử dụng cũng diễn ra ở Rwanda, Đài Loan, Singapore, Israel, Ấn Độ, Botswana, Eritrea, Kenya, Tanzania, Nam Phi, Italia, Úc, Mỹ, Anh, Pháp, Ailen… Mới đây nhất, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm sử dụng túi ni-lông siêu mỏng trong một nỗ lực giảm ô nhiễm và tiết kiệm nguồn tài nguyên dầu mỏ.

Con số khiêm tốn 7% trong số 1077 độc giả tham gia cuộc thăm dò của ThienNhien.Net ủng hộ giải pháp nghiêm cấm sản xuất và buôn bán túi ni-lông phần nào cho thấy những khó khăn trong tính khả thi của giải pháp này tại Việt Nam. Khó khăn này xuất phát từ rất nhiều lý do: từ phía người sản xuất đến người tiêu dùng, từ lý do kinh tế đến kỹ thuật công nghệ. Với người sản xuất, túi ni-lông là mặt hàng có kỹ thuật sản xuất đơn giản, nguồn cung vật liệu dồi dào và rẻ; với người tiêu dùng, nó là sản phẩm tiện dụng, kinh tế. Hiện nay vẫn chưa có sản phẩm nào có thể cạnh tranh với túi ni-lông về độ nhẹ, bền, chịu nước, kỹ thuật sản xuất đơn giản, giá thành thấp, tiện lợi… Chính vì thế có thể nói giải pháp cấm hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng túi ni-lông là khó khả thi.

Tuy cấm sản xuất và tiêu dùng túi ni-lông hoàn toàn là việc khó làm một sớm một chiều nhưng thiết nghĩ, bước đầu chúng ta có thể khoanh vùng cấm tiêu dùng và sử dụng. Thực tế cũng đã có những giải pháp đề nghị cấm sử dụng túi ni-lông ở các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Giải pháp này được coi là có cơ sở và khả thi vì những khu vực đó là nơi mà người tiêu dùng có điều kiện và cũng có ý thức hơn để hy sinh chút ít lợi ích kinh tế trước mắt vì lợi ích bền vững của môi trường.

Thực tế cho thấy chương trình “Metro cùng khách hàng bảo vệ môi trường” do hệ thống siêu thị Metro khởi xướng năm 2007 nhằm hạn chế lượng túi ni-lông thải ra môi trường đã rất thành công mặc dù lúc đầu cũng vấp phải một số phản ứng không đồng tình từ khách hàng. Thực hiện chương trình này, Metro đã bán cho khách hàng những chiếc túi được làm từ sợi tổng hợp có thể sử dụng nhiều lần thay cho những chiếc túi ni-lông mỏng phát miễn phí.

Sự thành công của chương trình cho thấy nếu có sự tuyên truyền hiệu quả kết hợp với kế hoạch thực hiện hợp lý, các siêu thị và trung tâm thương mại trong cả nước hoàn toàn có thể thực hiện được kế hoạch thay thế túi ni-lông bằng túi thân thiện môi trường.

Chiến dịch của Metro hoàn toàn là hoạt động tự nguyện vì môi trường bởi pháp luật chưa có một quy định bắt buộc nào về việc này. Bên cạnh Metro, còn rất nhiều trung tâm thương mại và siêu thị khác cũng rất sẵn sàng hành động vì môi trường song họ còn e dè vì khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Nên chăng, thay vì khuyến khích các trung tâm thương mại và siêu thị cam kết giảm thiểu sử dụng túi ni-lông, đã đến lúc cần đến một quy định cấm hoàn toàn hoặc cấm phát miễn phí túi ni-lông ở những cơ sở này.

Nếu thành công, ngoài việc hạn chế rất nhiều lượng túi ni-lông thải ra môi trường, động thái này cũng là một cách tuyên truyền ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường trực quan và hiệu quả.

Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân tuy được nâng cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề môi trường mà chưa ý thức được trách nhiệm cụ thể của mình. Tương tự như thế, rất nhiều người nhận thức được tác hại của túi ni-lông với môi trường nhưng lại chưa có hành động cụ thể để giảm thiểu, hạn chế sử dụng nó. Nhiệm vụ của tuyên truyền chính là nâng cao nhận thức và biến nhận thức thành những hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường.

Trong rất nhiều giải pháp đưa ra nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni-lông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng luôn là ý kiến thống nhất, cũng như con số ủng hộ khá cao (38%) ở cuộc thăm dò của ThienNhien.Net. Song trên thực tế, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của túi ni-lông với môi trường nhằm hạn chế sử dụng chưa được triển khai một cách hệ thống trên phạm vi rộng. Các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc tuyên truyền hạn chế túi ni-lông, còn hoạt động của các tổ chức tình nguyện vì môi trường thì chỉ giới hạn trong một phạm vi khiêm tốn.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên – Môi trường, trung bình mỗi ngày, một gia đình Việt Nam sử dụng và thải ra ít nhất 1 túi ni-lông. Con số thống kê trên phạm vi cả nước là khoảng 25 triệu túi/ngày. Đây có thể là một con số còn quá lạc quan so với thực tế song bản thân nó đã là một con số đáng lo ngại.

Đã quá xa rồi cái thời mà từ đồng quà tấm bánh đều được bao gói bằng lá sen, lá chuối, tờ báo hay sợi rơm, rồi cho tất cả vào một chiếc làn nhựa, làn mây. Ngày nay ở Việt Nam, túi ni-lông đã thay thế tất cả. Từ rau cỏ, đồ ăn nhanh đến quần áo giày dép mỹ phẩm… tất cả đều được đựng trong những chiếc túi ni-lông, và phần lớn trong số đó chỉ dùng một lần rồi thải ra môi trường. Việc sử dụng túi ni-lông đã là một thói quen tất yếu của người Việt Nam vì những lợi ích và tiện ích dễ thấy trước mắt trong khi những tác hại cho tương lai dù rất nghiêm trọng nhưng chưa được nhận thức đúng đắn và đầy đủ.

Việc thay đổi một thói quen là vô cùng khó khăn nhưng rõ ràng là chúng ta có thể làm nhiều hơn những gì đã làm được để hạn chế thói quen ấy. Việc tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni-lông và định hướng cho người tiêu dùng thói quen dùng túi một cách tiết kiệm, hợp lý, sử dụng nhiều lần… phải được tiến hành rộng rãi và đồng bộ.

Tuy nhiên trước những áp lực ngày càng gia tăng lên môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nếu chỉ trông cậy vào sự tự giác và ý thức của người tiêu dùng thì e rằng kết quả đạt được là chưa đủ. Đã đến lúc cần phải có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa tác động vào thị trường cũng như thói quen của người tiêu dùng.

Đánh thuế cao lên mặt hàng này

Con số 4% ủng hộ biện pháp đánh thuế cao lên túi ni-lông có thể phần nào phản ánh tâm lý không muốn móc “hầu bao” của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chính là một trong những biện pháp đã được thế giới áp dụng hiệu quả để hạn chế sử dụng túi ni-lông. Ở Ireland, luật thuế đánh vào túi ni-lông thông qua vào năm 2002 đã khiến nước này giảm được 90% lượng túi ni-lông sử dụng. Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Nam Phi, Bangladesh, Italia, Bỉ… cũng rất thành công trong việc hạn chế túi ni-lông bằng cách “đánh vào túi tiền” của người sử dụng túi ni-lông. Còn ở Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy… những người kinh doanh tạp phẩm phải trả thuế cho những túi ni-lông họ dùng.

Ở Việt Nam, biện pháp đánh thuế vào mặt hàng túi ni-lông cũng đã được đưa lên bàn thảo luận. Tháng 8 năm 2008, tại hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông tại TP HCM”, Quỹ Tái chế thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đã đề xuất giải pháp đánh thuế mặt hàng túi ni-lông. Theo đó, mức thuế sẽ được cộng vào giá thành của túi và người tiêu dùng phải trả khi mua hàng. Mức thuế sẽ được tính theo từng loại túi, ví dụ, túi xốp dùng một lần sẽ chịu mức thuế cao hơn túi ni-lông dày; túi bao gói thực phẩm (sản phẩm đựng sữa, trái cây, thịt cá…) không bị thu thuế sử dụng.

Trong khi biện pháp tuyên truyền về tác hại của túi ni-lông đến cộng đồng còn chưa thu được những kết quả khả quan, việc cấm sản xuất và tiêu dùng túi ni-lông chưa khả thi trong điều kiện hiện tại, kế hoạch đánh thuế mặt hàng này hứa hẹn mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời lại có thêm nguồn thu ngân sách để cải thiện và bảo vệ môi trường.

• Lượng dầu để sản xuất 18 chiếc túi nhựa có thể dùng cho ôtô chạy được 1 dặm.
• Ước tính trung bình mỗi chiếc túi nhựa cần 500 năm để phân hủy hoàn toàn.
• Số lượng túi trung bình sử dụng của một người có thể tồn tại đến 4175 triệu năm.
• Mỗi một phút trên thế giới có hơn 1 triệu chiếc túi ni-lông được sử dụng.
(Theo Bags On The Run)

Loại túi thay thế

Trong bối cảnh các giải pháp hạn chế sử dụng túi ni-lông còn gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, việc tìm kiếm một loại túi có thể thay thế túi ni-lông là hy vọng với tất cả những người có trách nhiệm với môi trường. Con số người ủng hộ cao nhất (48%) trong cuộc thăm dò của Thiennhien.Net cũng thể hiện kỳ vọng đó.

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì không ô nhiễm môi trường đã bắt đầu vào cuộc. Cuối năm 2005, Công ty cổ phần văn hóa Tân Bình đã đầu tư sản xuất bao bì nhựa tự hủy theo công nghệ hiện đại của Canada. Sau đó không lâu, Công ty Phú Hòa (Bến Tre) cũng chính thức ra mắt các sản phẩm bao bì không gây ô nhiễm môi trường tận dụng từ nguồn phế liệu bã mía, xơ dừa bỏ lại sau thu hoạch. Năm 2008, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phúc Lê Gia (TP.HCM) cũng giới thiệu loại túi nhựa sản xuất theo công nghệ tự phân hủy sinh học Biocom. Mới đây nhất, Công ty TNHH thương mại và sản xuất nhựa Tiến Thành cũng ra mắt loại bao bì sản xuất từ bột bắp, không gây ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, trước những tín hiệu vui về sản phẩm thay thế túi ni-lông, vẫn còn rất nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng, giá thành, cũng như ý nghĩa môi trường của các sản phẩm này.

Hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn nào về chất lượng của các loại túi tự phân huỷ. Nhiều loại túi được quảng bá là có khả năng phân huỷ nhưng thực tế, theo ý kiến của các nhà khoa học, đó không phải là khả năng phân hủy sinh học. Những chiếc túi này chỉ có khả năng tự vỡ vụn thành những mảnh nhỏ, phát tán trong môi trường sau một thời gian bị tác động của loại hoá chất dùng trong sản phẩm. Điều này khiến một số túi tự huỷ hiện nay trên thị trường Việt Nam gây hại cho môi trường nhiều hơn là bảo vệ môi trường. Do không bị phân huỷ sinh học, những túi tự huỷ kiểu này sẽ để lại trong đất những mảnh vụn, kìm hãm sự phát triển của các loại vi sinh vật, khiến đất chóng bạc mầu, không tơi xốp và thoái hoá. Đồng thời, do đã bị phân hoá, các mảnh nhỏ túi ni-lông sẽ càng khó thu hồi hơn.

Với một số sản phẩm túi thân thiện môi trường sản xuất từ lương thực (bột ngô, bột khoai) hoặc từ giấy, vải, tuy có lợi cho môi trường, nhưng lại đặt ra những thách thức khác. Trong khi lương thực đang khan hiếm và tăng giá, đất nông nghiệp lại bị sử dụng vào việc trồng cây nguyên liệu cho những sản phẩm sử dụng một lần thì liệu những lợi ích về môi trường có còn vẹn nguyên ý nghĩa? Còn nếu thay thế túi ni-lông bằng túi giấy, túi vải, chúng ta sẽ phải tiêu tốn nhiều nhiên liệu tự nhiên để sản xuất. Hơn nữa, quá trình làm túi giấy, túi vải còn thải ra nhiều loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn các loại túi làm từ chất dẻo.

Mặt khác, chi phí sản xuất loại túi tự phân hủy thường cao gấp nhiều lần so với túi ni-lông trong khi Chính phủ chưa có một sự hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện nay giá thành của các loại túi, bao bì ni-lông tự hủy thường cao hơn sản phẩm thông thường. Với giá thành như vậy thật khó để người sản xuất túi thân thiện môi trường cạnh tranh với túi ni-lông và cũng khó để người dân tự giác ủng hộ trong điều hiện kinh tế còn eo hẹp.

Thiết nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần coi chính sách ưu đãi để khuyến khích những doanh nghiệp sản xuất ni-lông thân thiện môi trường như một sách lược để bảo vệ môi trường. Được như vậy, việc nghiên cứu, sản xuất loại túi này mới mong áp dụng đại trà ra thị trường với giá cả chấp nhận được.

Các giải pháp khác

Ngoài những giải pháp trên, phân loại, thu hồi rác thải ni-lông để tái chế cũng được coi là một giải pháp hiệu quả.

Việc thu hồi rác tuy nhiên là một công việc cần thời gian, công sức và sự đồng lòng của cộng đồng. Chúng ta nên đẩy mạnh áp dụng việc phân loại rác ngay tại nơi xả rác như tại gia đình, tại nơi công cộng. Điều này có thể khó khăn ban đầu do thói quen và ý thức của người dân nhưng cùng với tuyên truyền và giáo dục ý thức môi trường, việc phân loại để tái chế rác thải có thể là một trong những giải pháp khả thi và hiệu quả nhất trong điều kiện hiện tại.

Hiện nay, ở Việt Nam việc phân loại rác thải mới là một hoạt động thí điểm, mật độ thùng rác ở những nơi công cộng còn thưa thớt và chưa có phân loại. Các hoạt động thu gom rác thải nhựa chỉ là những hoạt động tự phát, riêng lẻ, thiếu quản lý. Điều này gây khó khăn cho việc thu hồi và tái chế rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông và tiến tới luật hoá nghĩa vụ của các doanh nghiệp này trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà họ sản xuất. Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chưa phải chịu bất kỳ sức ép nào về trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm qua sử dụng. Có lẽ đã đến lúc nhà nước nên ban hành quy định buộc người sản xuất loại chất thải này phải thu hồi và chịu chi phí xử lý.

Trong khi việc phân loại rác còn gặp nhiều khó khăn do thói quen và ý thức của người dân, một hướng mới trong việc xử lý chất thải túi ni-lông đã được tập thể các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm. Đó là quy trình tái chế rác thải hỗn hợp không cần phân loại, phần rác hữu cơ được tách ra để sản xuất phân hữu cơ, phần còn lại được nấu lên thành nguyên liệu thay thế những vật liệu xây dựng truyền thống như xi măng, cốt thép. Công nghệ này đang được thử nghiệm tại nhà máy xử lý rác thải có công suất 200 tấn rác/ngày ở Thừa Thiên- Huế và một nhà máy có công suất 1.000 tấn rác thải/ngày đang được xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu công nghệ xử lý rác thải này được thử nghiệm thành công, chúng ta sẽ không phải lo lắng về tác hại của túi ni-lông đến môi trường nữa.

Trên đây là một số giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông từng được tính đến. Không có giải pháp nào là hoàn hảo và cũng không có giải pháp nào là không hữu dụng. Thiết nghĩ, để đạt được kết quả mong muốn, kết hợp thực hiện các giải pháp một cách hợp lý và hiệu quả chính là giải pháp hữu hiệu nhất.

Ở Việt Nam, túi ni-lông chủ yếu được làm từ nhựa PE (polyetylen) hoặc nhựa PP có nguồn gốc từ dầu mỏ và quá trình tự phân hủy của nó diễn ra rất chậm. Thành phần của các loại nhựa này không chứa độc, nhưng những chất phụ gia làm cho nhựa mềm, dẻo lại có khả năng gây độc cho người.

Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni-lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi người và động vật.

Nằm lẫn trong đất, túi ni-lông sẽ cản trở sự sinh trưởng của cây, cỏ bởi ni-lông rất khó phân hủy. Dưới tác động của ánh sáng, túi ni-lông vỡ ra thành nhiều phân tử nhựa nhỏ hơn, độc hại hơn và cuối cùng gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước. Chúng có thể len lỏi vào thức ăn của động vật và con người.. Nguy hiểm hơn, nếu đốt không đúng cách, ni-lông sẽ phát thải nhiều loại khí độc,axit clohiđric, đặc biệt là chất dioxin – chất độc mà nhân loại đang tiến hành loại trừ theo Công ước Stockholm về bảo vệ môi trường. (Theo Đề cương Dự án “Hãy cho tôi một chiếc túi sinh thái” – CLB Tình nguyện viên 3R”)

 

Bạch Dương

Túi ni lông: Tiện ích hay tác hại?