Bắc Kạn: Khai thác vàng làm tan hoang “lõi” khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

ThienNhien.Net – Trong 2 năm 2006 và 2007, hàng trăm công nhân, với hàng chục chiếc máy xúc, máy ủi, ô tô tải hạng nặng cùng các sàng tuyển vàng hiện đại được đưa vào điểm mỏ vàng Tốc Lù, thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ huyện Na Rì (Bắc Kạn) để tìm kiếm vàng. Sau 3 năm khai thác hết vàng tại đây, họ biến vùng “lõi” của khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ này thành các hang hố tan hoang rồi bỏ đó, khiến người dân địa phương rất bất bình.

Với diện tích rộng 14.772 ha, khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì được coi là nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú cùng với những giá trị sinh học phong phú đa dạng, được các nhà môi trường trong nước và thế giới đánh giá cao.

Theo các tài liệu khoa học mới phát hiện gần đây, rừng Kim Hỷ là nơi còn bảo tồn được những loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu như loài vọoc má trắng, sóc, khỉ, rùa vàng… nhất là loài dơi được coi là đa dạng thành phần cao nhất Việt Nam.

Khu Bảo tồn này cũng là nơi còn lưu giữ được một số nguồn gen quý hiếm của các loài thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây Thiết San Giả (còn gọi là Thông đá) mà trên thế giới hiện nay còn sót lại ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc nước ta và 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc).

Ngoài động thực vật, khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn giàu về tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng và là kho gỗ quí hiếm của núi rừng Việt Bắc. Chính vì vậy, rừng núi đá khu Bảo tồn Kim Hỷ luôn là tâm điểm của những tên lâm tặc và khoáng tặc cứ lặng lẽ ăn ngủ ngay trong rừng để đục khoét tài nguyên suốt từ năm 1987 của thế kỷ trước đến nay, trước sự bất lực của các cơ quan chức năng địa phương, bởi hàng chục cuộc giải toả vấn nạn khai thác vàng trái phép vẫn chưa có hồi kết.

Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép ở Kim Hỷ đã gây bức xúc nhiều mặt tại vùng núi hẻo lánh này. Chẳng những thiên nhiên, môi trường bị tàn phá nặng nề mà tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng nổi lên nhiều bức xúc.

Đến tháng 12-1997, sau khi giải toả các tụ điểm khai thác vàng trái phép theo Chỉ thị 881/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trật tự Kim Hỷ được lập lại yên ả hơn, cây rừng, muông thú như được hồi sinh trở lại. Tuy nhiên từ khi Bộ Công nghiệp giao quyền cấp phép khai thác vàng tận thu cho tỉnh Bắc Kạn (tháng 6-1998), tháng 9-2005 UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp phép cho Công ty cổ phần Tấn Thành vào khai thác vàng tại khu vực Tốc Lù, diện tích 17,5 ha thuộc Khu bảo tồn thên nhiên Kim Hỷ với lý do tiên quyết: Chỉ khai thác vàng chứ không khai thác rừng.

Ngay sau khi có quyết định cấp mỏ, đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Vì vậy, việc tổ chức khai thác của Công ty cổ phần Tấn Thành mãi đến cuối tháng 6-2006 mới đi vào hoạt động theo Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 21-6-2006 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Từ sự ngụy biện của những bưởng vàng rằng chỉ khai thác vàng ở những nơi không có rừng, và cam kết không xâm hại đến cây rừng nên dự án khai thác vàng với qui mô công nghiệp ngay vùng lõi khu Bảo tồn đã thuyết phục được một số lãnh tỉnh và lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường cùng các thành viên như Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo cấp huyện, cấp xã đồng tình ủng hộ, bất chấp quy định tại điều 20, chương 3, Nghị định 160 ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản ghi rõ: “Cấm hoạt động khoáng sản tại các khu vực đặc dụng, rừng phòng hộ… Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu vực bảo tồn địa chất…”.

Hơn nữa, Quyết định 168/QĐ-CP ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ rừng tại chương 2, điều 18 nêu rõ: “Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm những hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã hoặc loài bảo tồn. Cấm khai thác các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác, gây ô nhiễm môi trường, mang các chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng… ”

Quy định rõ ràng như vậy, thế nhưng từ nhận thức đơn giản là khai thác khoáng sản chỉ đơn thuần đào bới và chỉ đào bới ở những nơi không có cây rừng đã dẫn đến hoạt động khai thác vàng tại vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ lại tiếp tục bùng phát trở lại cả khai thác qui mô công nghiệp và khai thác thổ phỉ.

Thấy doanh nghiệp được khai thác vàng qui mô lớn, người dân địa phương cũng đổ xô đi khai thác qui mô nhỏ, nên chỉ sau thời gian ngắn, khu Bảo tồn Kim Hỷ lại mọc thêm hàng chục lán trại với hàng trăm người khai thác trái phép luôn có mặt trong lõi khu bảo tồn Kim Hỷ, gồm các điểm như: Lũng Quang, lũng Lương, Lũng Mòn, Lũng Chủ, Xạ Hang, Nặm Đẩy… nhanh chóng tạo thêm nhiều hang hố làm tan hoang cả vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ chưa biết đến khi nào mới khắc phục được hậu quả.