Quản lý tài nguyên môi trường vùng Tây Bắc

ThienNhien.Net – Ngày 9/12/2008, tại TP. Việt Trì (Phú Thọ), Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị giao ban vùng Tây Bắc Bộ về công tác quản lý Nhà nước ngành TN&MT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Đặng Đình Vượng. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ TN&MT và đại diện lãnh đạo của 7 Sở TN&MT vùng Tây Bắc Bộ.

“Tây Bắc Bộ là vùng đất rộng, chiếm 16,3% diện tích cả nước, người thưa, mật độ trung bình 98 người/km2, địa hình thiên nhiên đa dạng, nhiều rừng núi, sông ngòi, nằm ở đầu nguồn thủy lực, có nhiều lợi thế về tài nguyên môi trường để phát triển một nền kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, muốn phát huy được những điểm mạnh này, thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập đang tồn tại”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh tại Hội nghị.

Hoàn chỉnh cơ chế định giá đất, đo đạc địa chính và cấp GCN quyền sử dụng đất

Tài nguyên đất ở Tây Bắc Bộ vô cùng phong phú, đây là một lợi thế cần phát huy, tuy nhiên tỷ lệ phần trăm quỹ đất chưa đưa vào sử dụng, chưa hợp thức hóa hoặc sử dụng chưa hiệu quả còn rất lớn. Vì vậy, muốn quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và tài chính hóa nguồn tài nguyên này, trước hết, các Sở ngành liên quan, đầu mối là Sở TN&MT các tỉnh phải hoàn chỉnh được cơ chế định giá đất, đo đạc địa chính và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại Hội nghị, ông Lê Thanh Khuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai khẳng định: “Hiện Chính phủ đã ban hành Quyết định chuyển việc thực hiện công tác định giá đất từ ngành tài chính sang ngành tài nguyên và môi trường. Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/1/2009, các Sở TN&MT sẽ có trách nhiệm tham mưu, xây dựng khung giá đất giúp cho UBND tỉnh ra khung giá thường niên trình Hội đồng Nhân dân phê duyệt. Tuy nhiên, để làm tốt công việc này, các Sở TN&MT phải nhanh chóng thành lập các Phòng Kinh tế và Phát triển quỹ đất, trong đó có các nhóm hoặc tổ chuyên về công tác định giá đất”.

Về phía Bộ TN&MT sẽ có trách nhiệm ban hành các văn bản và Thông tư liên Bộ với Bộ Tài chính và một số Bộ khác, nhằm đẩy nhanh kế hoạch hoàn chỉnh cơ chế định giá đất, mang tính đồng bộ, từ Trung ương xuống địa phương.

Về công tác đo đạc địa chính, vấn đề cần tháo gỡ là kinh phí thực hiện. Đến nay đã có Chỉ thị 31 của Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT hoàn chỉnh đề án tổng thể về đo đạc địa chính. Việc hoàn chỉnh đề án này sẽ góp phần đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề bức thiết được các đại biểu tập trung thảo luận.

100% việc cấp giấy tại các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ chưa hoàn thiện, so với các vùng trong cả nước còn chậm, một phần nguyên nhân do địa hình đồi núi phức tạp và tập tục du canh du cư của bà con dân tộc. Ông Vũ Văn Hoàn, Giám đốc Sở TN&MT Lai Châu cho biết: “Toàn địa bàn tỉnh Lai Châu có 304.439,63 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất ở nông thôn, đô thị đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức mới đạt 940,75 ha, chiếm 36,36% so với tổng diện tích đất chuyên dùng cần cấp”.

Như vậy, rõ ràng là số nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh còn thấp, do cơ chế về quản lý đất đai ở địa bàn còn vướng mắc, dẫn đến nguồn tài chính thu từ các dịch vụ đầu tư bất động sản chưa cao. Từ nay đến 2010 các tỉnh hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu việc cấp giấy đối với tỷ lệ loại đất nào còn thấp thì phải đạt 99%.

Lộ trình này được Quốc hội đưa ra tại Nghị quyết 07 và Bộ TN&MT có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp với địa phương để hoàn thành. Các địa phương sẽ được Trung ương hỗ ngân sách đầu tư từ 70% trở lên để làm công tác này, còn lại 30% sẽ là vốn đối ứng huy động từ địa phương.

Cân đối lại việc cấp phép khai thác khoáng sản và rà soát tổng thể các cơ sở gây ô nhiễm trong Quyết định 64/QĐ-TTg

Bên cạnh đất đai, khoáng sản và môi trường là hai lĩnh vực được các đại biểu quan tâm thảo luận. Theo ông Trịnh Xuân Bền – Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tây Bắc Bộ là vùng có địa hình phân cắt, khoáng sản đa dạng, nhiều loại, như đá hoa trắng có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á, đất hiếm chỉ đứng sau Trung Quốc so với thế giới… Đây là lợi thế nhưng công tác quản lý sẽ rất khó khăn.

Các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ TN&MT nhấn mạnh việc cấp phép khoáng sản đối với khu vực Tây Bắc Bộ là quá dày, nhiều nơi tràn lan, dẫn đến không kiểm soát được đầu ra. Ông Ông Nguyễn Tường Thuật, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái cho biết: “Hiện Yên Bái tiến hành cấp 153 giấy phép cho khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc quy hoạch chức năng, nhiệm vụ và quản lý khoáng sản ở địa phương chưa rõ ràng, do một số loại khoáng sản có thể sử dụng nhiều mục đích như làm vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp… Nhiều điểm mỏ chưa có bản đồ tỷ lệ tương thích để đánh giá trữ lượng, dẫn đến khó khăn cho cấp phép”.

Với 153 giấy phép trong khai thác khoáng sản, Yên Bái là tỉnh dẫn đầu về cấp phép trong khu vực Tây Bắc Bộ. Trong năm qua 7 tỉnh của khu vực đã cấp trên 3.000 giấy phép, trong khi đó Bộ TN&MT chỉ cấp có 427 giấy phép. Đây là điều cần phải cân đối lại để có phương án quản lý tài nguyên khoáng sản được tốt hơn.

Rà soát lại toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết đinh 64 của Chính phủ là vấn đề chính trong lĩnh vực môi trường được nêu lên tại Hội nghị. Ông Bùi Đình Tâm, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hòa Bình cho hay: “Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường rất tốt, nhưng vẫn chưa được đưa ra khỏi danh sách 64, vì vậy cần phải có một tiêu chí hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể để giúp đỡ các cơ sở đó, như BV Đa khoa tỉnh, Bãi chôn lấp rác thải thành phố Hòa Bình và Nhà máy Xi măng sông Đà”.

Về lĩnh vực môi trường, kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Cách tốt nhất để các cơ sở ra khỏi danh mục 64 là rà soát lại những điểm nóng ô nhiễm. Cần chú ý đến rác thải sinh hoạt, rác và nước thải bệnh viện. Không được xử lý bằng phương pháp chôn lấp vì hầu hết các tỉnh nằm ở lưu vực đầu nguồn. Đối với dự án lớn cần đánh giá tác động môi trường có tính chiến lược (ĐTM) và làm cam kết bảo vệ môi trường đối với dự án nhỏ. Đặc biệt, các Sở TN&MT cần khẩn trương hoàn chỉnh bộ máy Chi cục Bảo vệ môi trường và có cơ chế phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường”.

Một số lĩnh vực khác như khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới các tỉnh cần sát sao quan tâm, có sự tương tác hơn nữa. Đặc biệt, đây là khu vực dồi dào tài nguyên nước, nên làm sao phải giá trị hóa được nguồn nước, làm lợi cho người dân.