Liên kết bảo tồn linh trưởng ở Đông Dương: Cần tiến hành ra sao?

ThienNhien.Net – “Di dời các đàn linh trưởng khi môi trường sống của chúng bị xâm hại là cần thiết. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với nhiều nguy cơ…” – Đó là một trong số những nhận định của các chuyên gia trong Hội thảo quốc tế về bảo tồn linh trưởng ở khu vực Đông Dương vừa kết thúc tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
 
Cần có chiến lược vùng
 
Hội thảo diễn ra trong 4 ngày (từ 27-30/11/2008), với sự phối hợp tổ chức của Vườn quốc gia Cúc Phương, Hội Động vật học Frankfurt (Đức), Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) , Quỹ Hành động vì Linh trưởng Quốc tế và Tổ chức Hợp tác Bảo tồn Linh trưởng.
 
Tại đây, hơn 100 nhà khoa học đến từ các nước Đức, Mỹ, Úc, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia đã trình bày phương pháp và kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến bảo tồn linh trưởng như: gien di truyền, tập tính sinh thái, phân loài và các biện pháp bảo tồn đang được tiến hành ở các quốc gia. Đặc biệt, các chuyên gia nghiên cứu về vượn đã chia sẻ kinh nghiệm phân biệt tiếng hót của vượn ở từng giới và từng giai đoạn trưởng thành khác nhau bằng cách biểu diễn trực tiếp ngay tại hội thảo.
 
Một vấn đề được các đại biểu quan tâm bàn thảo nhiều là làm sao có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa 4 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam để bảo tồn linh trưởng. Đường biên giới các quốc gia kéo dài, được che phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh – nơi cư trú của nhiều loài linh trưởng quý hiếm. Các loài này cùng chịu chung những mối đe dọa tuyệt chủng như nhau.
 
Tại khu vực Đông Nam Á, Chương trình Cứu hộ Các loài linh trưởng Nguy cấp (EPRC) đặt tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Việt Nam là trung tâm cứu hộ lớn nhất. Tại đây, nhiều cá thể linh trưởng qúy hiếm đã được cứu hộ và thả về tự nhiên. Hiện Trung tâm đang duy trì chế độ chăm sóc đặc biệt cho 150 cá thể vượn, voọc, cu li, thuộc 15 loài và phân loài.
 

 Tilo Nadler
“Thế giới có gần 300 loài và phân loài linh trưởng, Việt Nam “chiếm” tới 25 loài, trong đó nhiều loài là đặc hữu, chỉ Việt Nam mới có. Đó là một niềm tự hào. Song, thế giới có 25 loài linh trưởng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thì Việt Nam cũng “sở hữu” tới 5 loài, bằng 1/5 con số đó. Xét trên góc độ bảo tồn, đây là điều đáng xấu hổ.” – phát biểu của ông Tilo trước hội thảo. 

Ông Tilo Nadler, Giám đốc (EPRC), một người Đức đã gắn bó 15 năm đối với sự nghiệp bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam, cho biết: “Thế giới có gần 300 loài và phân loài linh trưởng, Việt Nam “chiếm” tới 25 loài, trong đó nhiều loài là đặc hữu, chỉ Việt Nam mới có. Đó là một niềm tự hào. Song, thế giới có 25 loài linh trưởng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thì Việt Nam cũng “sở hữu” tới 5 loài, bằng 1/5 con số đó. Xét trên góc độ bảo tồn, đây là điều đáng xấu hổ. Khi mà nạn săn bắt và sự phá hủy sinh cảnh của linh trưởng còn diễn ra mạnh mẽ khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia báo động nhất về sự tuyệt diệt của các loài linh trưởng quý thì sự hợp tác bảo tồn, nâng cao nhận thức là vô cùng cần thiết.”
 
Ông Ben Rawson, đại diện Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) – Chương trình Đông Dương, nhấn mạnh: “Các chuyên gia và chính phủ các nước cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trước những nguy cơ chung về sự biến mất của các loài linh trưởng trong toàn khu vực.”
 
Các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự hội nghị đều ủng hộ ý kiến này. Họ cho rằng việc liên kết cần được thực thi sớm, nếu để đến lúc các cá thể linh trưởng còn quá ít (như quần thể hổ Đông Dương ngoài tự nhiên hiện nay) mới ra tay thì đã quá muộn.
 
Ông Vũ Văn Dũng, một chuyên gia lâm nghiệp của Việt Nam, đề xuất: “Các nhà bảo tồn cần bàn tính cụ thể hơn về biện pháp liên kết, những trở ngại hiện hữu và kiến nghị biện pháp tháo gỡ để việc liên kết cần thiết như chúng ta đã bàn được tiến hành thật sự hiệu quả. Đó có lẽ là nét mới nhất, điều cần phải ráo riết nhất khi chúng ta ngồi với nhau trong một diễn đàn lớn như thế này!”
  
Chấp nhận “chết” vài cá thể linh trưởng để bảo vệ được cả đàn!
 
Trong chương trình hội thảo, có một vấn đề rất “nóng” và thu hút các ý kiến thảo luận, đó là việc di dời các loài thú linh trưởng nguy cấp tại Việt Nam.
 
Hiện nay, môi trường sống của linh trưởng bị phá hủy đến mức không còn đảm bảo tính an toàn. Các nhà khoa học buộc phải tính đến biện pháp di dời linh trưởng khỏi nơi chúng đã sinh ra và sinh sống từ thượng cổ. Đây là một việc đầy rủi ro nhưng buộc phải thực thi.
 
Tại  hành lang hội thảo, ông Tilo Nadler, cho biết “Di dời các đàn linh trưởng là một công việc vô cùng khó khăn. Trên thế giới, khi thực thi, người ta cũng gặp nhiều rủi ro. Chúng tôi sẽ cố gắng tránh những điều đó khi tiến hành di dời linh trưởng ở Việt Nam. Vấn đề quan trọng là cần khảo sát kỹ khu vực hoang dã mà linh trưởng sẽ được thả về, xem điều kiện có thích hợp hay không, số lượng cá thể linh trưởng có sẵn ở đó nhiều hay ít bởi nếu “mật độ” quá đông sẽ không tốt. Với khu bán hoang dã, cũng cần sắp xếp sao cho linh trưởng có được điều kiện sống gần với cuộc sống tự nhiên của chúng.”
 
Đặc biệt, ông Tilo Nadler cho biết trong quá trình bắt động vật để chuyển đi cũng phải lường trước những rủi ro bất khả kháng. Chẳng hạn, một đàn có dưới 10 cá thể, khi buộc phải di dời, thậm chí có thể phải chấp nhận bị chết mất một hai cá thể để số lượng còn lại phát triển khỏe, có khả năng sinh sản. Bởi nếu không, sẽ khó tránh khỏi nguy cơ cả đàn linh trưởng bị mất đi. Một đàn mất có nghĩa mấy chục phần trăm của số lượng linh trưởng ít ỏi chúng ta còn ghi nhận được bị mất. Khi đó, sự mất mát trở nên quá lớn. Điều này dễ nhận thấy hơn đối với các loài đặc hữu, hiện số lượng ngoài tự nhiên còn lại rất ít.
 
Tại Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), số lượng voọc đầu vàng (còn gọi là voọc Cát Bà, có tên khoa học Trachypithecus poliocephalus)  – loài đặc hữu của Việt Nam – đến nay cả nhân loại chỉ ghi nhận được hơn 60 cá thể đang tồn tại.Chúng đang đứng trước “nguy cơ cao” sẽ bị di dời để tìm kiếm một điều kiện sống tốt hơn.

“Việc di dời các đàn linh trưởng ở Cát Bà hiện nay là cần thiết vì nhiều quần thể bị phân tán quá lâu rồi. Đây là một vấn đề mang tính “lịch sử”. Trước, rừng ngập mặn liên kết các đảo nhỏ lại và voọc có thể di chuyển qua lại được nhưng nay sự phát triển kinh tế và du lịch diễn ra nhanh chóng đã làm địa hình chia cắt, voọc không thể di chuyển được từ đảo nọ sang đảo kia, không thể giao lưu phát triển nòi giống được. Thậm chí, có quần thể chỉ vẻn vẹn có 4 cá thể, với 3 con cái và 1 con đực. Song, con đực đó đã cũng đã bị bắn chết năm 2001, Nếu không di dời 3 con cái còn lại, trong điều kiện không có con đực nào, thì…chẳng có “ý nghĩa” gì hết. Hơn thế, đến nay, “biên giới” của vườn quốc gia Cát Bà đã được mở rộng ra, dễ dàng tìm được vùng sinh thái phù hợp, rộng lớn hơn, để các quần thể vọc có thể giao lưu, sinh sản, phát triển tốt hơn. Cho nên, sự di dời là cần thiết. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nguy cơ đe dọa các đàn linh trưởng, khi chúng bị di dời, mà chúng ta cần phải bàn tính kỹ hơn nữa”. – phát biểu của bà Daniela Shrudde, đại diện Chương trình bảo tồn voọc Cát Bà.
 

 vooc Cat Ba
Mọi biện pháp vẫn chỉ là đưa ra để thảo luận bàn tròn, chưa có đơn vị nào thật sự hành động, bởi vấn đề bảo tồn “di dời” hết sức nhạy cảm. Ngay cả việc các chuyên gia chọn voọc Cát Bà để bàn luận, cũng chỉ vì loài voọc này là loài đặc hữu của Việt Nam, bị đe dọa nhiều nhất, nguy cơ tuyệt chủng cao nhất.

Hội thảo kết thúc chiều ngày 30/11/2008, trong khi vấn đề di dời đàn linh trưởng bị đe dọa do môi trường sống không đảm bảo vẫn ở dạng… đưa ra để bàn thảo, các luồng ý kiến vẫn chưa thống nhất. Sau tham luận chung của dự án bảo tồn voọc Cát Bà, các đại biểu đã trao đổi cởi mở với các ý kiến từ nhiều bên, nhiều phía.
 
Có ý kiến cho rằng: nếu “bắt” voọc Cát Bà một cách “cơ học” (như bắn thuốc mê, bắt tại các hang khi voọc ngủ đêm trong hang) là những hình thức xử lý không lô-gic, chưa thật sự khoa học. Sợ voọc sẽ ngã, sẽ đè lên nhau, biết đâu tính rủi ro của sự “cứu giúp” kiểu đó còn cao hơn là… để nguyên?
 

Đại diện Cục Kiểm lâm Việt Nam cũng nhất trí quan điểm đưa vấn đề ra thảo luận đa chiều trước khi có bất cứ quyết định nào. Tất nhiên, quyền quyết định có di dời đàn voọc hay không, di dời theo hướng nào, phương pháp nào… là ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhà nước Việt Nam. Công việc của các nhà bảo tồn là đưa ra ví dụ ở nơi nào đó đã và sẽ làm, để có thể lường trước những rủi ro, hạn chết tối đa những thất bại có thể có. Các đại biểu chia tay nhau khi vấn đề vẫn còn để mở ở đó.
 Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, “cháy bỏng” liên quan đến vấn đề di dời các đàn linh trưởng. Hy vọng, những kinh nghiệm, tri thức, tâm huyết trên sẽ theo các chuyên gia chảy về các nước, các địa phương của Việt Nam để làm sao bầy linh trưởng của nước ta và khu vực được an toàn và phát triển như mong muốn của những người tham gia hội thảo.