Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ chuyên đề: “Phát triển kinh tế trang trại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”

ThienNhien.Net – Trong 2 ngày 25 và 26/11/2008, tại Nhà hát lớn TP. Hải Phòng diễn ra Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ chuyên đề: “Phát triển kinh tế trang trại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế” do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức dưới sự chủ trì của UBND tỉnh Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Huy Ngọ nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, TS. Tống Khiêm – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, ông Nguyễn Văn Thành – UVBTV. Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, ông Dương Đức Tùng – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Cục Chăn nuôi, Viện Quy hoạch và Thiết kế NN, Viện Chính sách thuộc Bộ NN và PTNT, chuyên gia của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng. Cùng đại diện 248 đại biểu là nông dân (140 đại biểu là nông dân, trong đó có 60 chủ trang trại), là Lãnh đạo Sở NN và PTNT, Sở Tài Nguyên Môi trường, Trung tâm khuyến nông và nông dân đến từ các tỉnh: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định và Hải Phòng.

Trong báo cáo đề dẫn, ông Phạm Khánh Ly – Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đánh giá tình hình kinh tế trang trại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Qua báo cáo của 10 tỉnh, thành phố cho thấy tính đến cuối năm 2007, cả khu vực có tổng số 15.715 trang trại, bình quân 1.570 trang trại/tỉnh (cả nước bình quân 1813 trang trại/tỉnh), tập trung chủ yếu ở Thái Bình với 2.920 trang trại, Hưng Yên 2.264 trang trại, Hà Nội 2.183 trang trại.

Xu hướng phát triển của kinh tế trang trại trong những năm qua gắn liền với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhiều địa phương trong vùng đã chuyển hàng trăm ha đất 1 vụ lúa sang nuôi thâm canh, bán thâm canh, luân canh, xen canh theo các mô hình lúa cá nhằm nâng cao hiệu quả hàng chục nghìn ha lúa năng suất thấp, bấp bênh và mặt nước bỏ hoang.

Đặc biệt, các chủ trang trại đã tiên phong đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản… từ bỏ sản xuất tự cấp, vươn tới sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với thị trường; đồng thời tạo ra nhu cầu và đẩy nhanh tiến trình hợp tác kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn như các trang trại nuôi lợn ở Nam Sách – Hải Dương, Đan Phượng – Hà Nội…
TS. Tống Khiêm – Giám đốc Trung tâm KN – KNQG nhấn mạnh: “Hiện nay phát triển kinh tế trang trại đang là xu thế phát triển khách quan và tất yếu của nền Nông nghiệp Việt Nam, đây đã là xu hướng từ lâu trên thế giới. Ngay từ đầu những năm 2000, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển trong lĩnh vực này. Diễn đàn này nhằm đáp ứng một phần những bức xúc, khó khăn trong quá trình hoạt động của các chủ trang trại và bà con nông dân”.

170 câu hỏi được đặt ra cho Ban cố vấn và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nội dung các câu hỏi tập trung vào các vấn đề về: chính sách đất đai để xây dựng và phát triển kinh tế trang trại; các chế độ và quy định vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế trang trại; các chính sách hỗ trợ (trong đó có khuyến nông) về phát triển kinh tế trang trại hiện nay của Nhà nước; chính sách hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm; chính sách trong lĩnh vực chăn nuôi; một số kỹ thuật về chăn nuôi, thuỷ sản và trồng trọt quy mô trang trại; quy hoạch về môi trường; xử lý như thế nào nếu báo chí đưa tin sai…

Trên 20 lượt câu hỏi đã được Ban cố vấn trả lời thoả đáng. Còn một số vấn đề ban cố vấn, ban chủ toạ và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp sẽ tiếp tục trả lời trên tờ tin Khuyến nông Việt Nam và trang Web Khuyến nông Việt Nam.

Tâm sự với bà con nông dân và đại biểu tại diễn đàn, đồng chí Lê Huy Ngọ nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết: “Trong nghị quyết nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn đặt mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân lên hàng đầu. Muốn vậy cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phân công lại lao động và lấy hiện đại hoá nông nghiệp làm khâu then chốt, đưa kinh tế, khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Đặc biệt, lực lượng đi đầu nên lựa chọn là trang trại làm lực lượng xung kích, vì hộ nông dân còn nhỏ, các chủ trang trại lại có vốn, có tinh thần, có ý chí, kinh nghiệm và có nguồn thông tin. Tương lai sẽ tiến tới sự liên kết các trang trại trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tạo nên sức mạnh tổ chức kinh doanh”.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Văn Lượng – Giám đốc Công ty TNHH giống Gia cầm Lượng Huệ (Kiến An – Hải Phòng) chia sẻ: từ một đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, sau nhiều năm tiến hành sản xuất kinh doanh, trải qua nhiều thăng trầm đến nay trang trại đã phát triển lớn mạnh giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Để kinh tế trang trại phát triển thì Nhà nước và các cấp chính quyền cần có biện pháp tạo điều kiện cho các chủ trang trại ở vùng sâu, vùng xa được cập nhật với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước và có cơ chế thiết thực hơn về cải cách hành chính. Nhà nước cần xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế trang trại phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển nhanh mô hình này”.

Phát biểu kết luận diễn đàn, TS. Tống Khiêm đã có những đề xuất với Bộ NN và PTNT, Chính phủ như sau:
– Xây dựng chính sách tích tụ ruộng đất theo hướng mở rộng quy mô hơn nữa, gắn liền với chế độ của người nông dân góp đất (mất đất).
– Chính sách của Bộ NN và PTNT phải mở rộng về hỗ trợ nông nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động tư vấn, mở rộng đào tạo huấn luyện, và thăm quan học tập lẫn nhau cho các chủ trang trại.