Vườn Quốc gia Tràm Chim: lượng sếu đầu đỏ tìm về tăng

ThienNhien.Net – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết: sau nửa năm thực hiện, dự án phục hồi sinh cảnh đất ngập nước Đồng Tháp Mười – Vườn Quốc gia Tràm Chim đã làm tăng diện tích đồng cỏ từ 800 héc-ta lên 2.700 héc-ta, tăng số lượng sếu đầu đỏ lên 126 con so với 41 con vào năm 2005.

Đây là dự án do Công ty Coca-Cola Việt Nam và Quỹ WWF phối hợp thực hiện trong 3 năm (từ năm 2008 đến năm 2011), với kinh phí là 750.000 đô la Mỹ nhằm bảo tồn tài nguyên nước ngọt toàn cầu.

Theo đánh giá kết quả bước đầu, Dự án đã có tác động tích cực trong việc phục hồi sinh cảnh khu A3, là một phân khu của Vườn Quốc gia Tràm Chim, trước đây là một bãi ăn quan trọng của sếu, và kiểm soát sự xâm lấn của thực vật ngoại lai.

Dự án cũng giúp tăng thêm tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Tràm Chim, với hơn 130 loài thực vật bản địa, gần 150 loại cá nước ngọt chiếm tới 33% tổng số loài cá nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Dự án còn tạo môi trường sinh sống và phát triển tự nhiên cho 232 loài chim, trong đó có 16 loài nằm trong sách Đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và của Việt Nam.

Việc phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim còn góp phần cải thiện chất lượng nước, khôi phục nguồn nước ngầm, điều tiết lũ và hạn hán cho khu vực hạ lưu và Đồng Tháp Mười; giúp ngăn chặn nhiễm mặn tại hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long và giảm tác động của sự biến đổi khí hậu.