Xây đập trên sông Mê Kông: Tiếng nói của người dân trong khu vực

ThienNhien.Net – Từ ngày 11 đến 13/11/2008, tại Băng Cốc (Thái Lan) đã diễn ra hội nghị quốc tế về vấn đề sông Mê Kông với sự tham gia của hơn 300 đại biểu từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng, báo chí, giới khoa học của các nước trong lưu vực sông. Tại đây, vấn đề phát triển sông đã được bàn thảo dưới quan điểm của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự.

Mê Kông dưới sức ép phát triển thủy điện

Sức ép từ các kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Kông đang đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên thuộc lưu vực sông, tài nguyên thủy sản và cuộc sống của hàng triệu người dân. Trong những năm gần đây, hàng loạt các thỏa thuận giữa các chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng thủy điện đã đã được ký kết.

Trong số 12 đập thủy điện hiện đang lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính của khu vực hạ Mê Kông, có 7 đập ở Lào, 3 ở biên giới Lào – Thái Lan và 2 ở Căm-pu-chia. Ngoài ra, đang có 12 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi do các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Ma-lai-xia thực hiện.

Mekong dam map
Hệ thống đập thủy điện trên sông Mê Kông (màu đen: đã hoàn thành; màu xanh: đang xây dựng; màu đỏ: dự kiến). Nguồn: Ủy ban sông Mê Kông.

Vai trò nhà cung cấp tài chính cho các dự án trong khu vực của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang được thay thế bởi hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân và các công ty. Đây là một thách thức cho các tổ chức xã hội dân sự trong việc theo dõi và giám sát ảnh hưởng kinh tế, xã hội và môi trường của các dự án xây dựng thủy điện do các nguồn đầu tư tư nhân thường ít minh bạch và khó tiếp cận thông tin hơn.

Mặc dù đã có nhiều bằng chứng về những tác động sinh thái, kinh tế – xã hội từ các dự án đập thủy điện trên sông Mê Kông, các dự án hiện tại vẫn được tiến hành thiếu minh bạch, không có tham vấn và tham gia của cộng đồng địa phương bị tác động cũng như các tổ chức xã hội dân sự.

“Tài nguyên thiên nhiên trong vùng Mê Kông là một phần của hệ sinh thái thuộc về tất cả mọi người dân trong khu vực. Vì vậy, không một nước nào trong lưu vực sông có quyền đơn phương quyết định phát triển tài nguyên mà gây phương hại đến hệ sinh thái vượt ra ngoài phạm vi quốc gia”. Tuyên bố Băng Cốc, 11/2004.

Chỉ trích

Ủy ban sông Mê Kông, tổ chức được thành lập năm 1995 theo thỏa thuận giữa 4 nước Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia và Thái Lan. Miến Điện và Trung Quốc là hai đối tác đối thoại trong ủy ban này. Sứ mệnh đặt ra cho tổ chức này là “thúc đẩy, phối hợp quản lý và phát triển tài nguyên nước cũng như tài nguyên có liên quan một cách bền vững vì lợi ích chung của các quốc gia và sự an ninh của cộng đồng bằng cách triển khai thực hiện những hoạt động và chương trình chiến lược, cung cấp thông tin khoa học và cố vấn chính sách”.


“Không xây đập” – Thông điệp của đại diện cộng đồng bị ảnh hưởng của xây dựng thủy điện ở Thái Lan. Ảnh: ThienNhien.Net.
Tuy nhiên, tổ chức này đã và đang bị chỉ trích mạnh mẽ do thiếu hiệu quả trong việc thúc đẩy quy trình ra chính sách có sự tham gia và lên tiếng về những mối đe dọa từ việc xây dựng đập trên dòng Mê Kông. Tại hội nghị, các nhóm cộng đồng cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho đại diện Ủy ban sông Mê Kông và truy vấn trách nhiệm của tổ chức này trong việc ngăn chặn sự phát triển đập thủy điện ồ ạt trong thời gian vừa qua. Họ cũng bày tỏ sự thất vọng đối với Ủy ban khi tổ chức không có cơ chế rõ ràng để giải quyết các vấn đề liên quốc gia, cũng như cung cấp thông tin cho người dân về quy trình lập kế hoạch và ra quyết định đối với các dự án trong khu vực.

Cần có tiếng nói chung

Việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông được cho là không bền vững, thậm chí có nhiều nguy cơ đe dọa đến sinh kế của hơn 60 triệu người đang sinh sống dựa vào nguồn tài nguyên do con sông này cung cấp. Những tác động lên nguồn lợi thủy sản phong phú của dòng Mê Kông là không thể khắc phục được dù đã có nhiều giải pháp kỹ thuật được đề xuất.

Hội nghị đã đề xuất các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm cộng đồng trong sáu nước thuộc lưu vực sông Mê Kông (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia và Việt Nam) cần phối hợp và có tiếng nói chung để cùng tham gia đóng góp giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển đập.

Công chúng đang ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề liên quan đến xây dựng đập thủy điện và quản lý dòng sông Mê Kông. Vì vậy, cần quốc gia trong lưu vực sông cần có cơ chế tạo không gian cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia đóng góp ý kiến, tiếng nói của mình vào quy trình ra quyết định – đặc biệt là những cộng đồng trực tiếp bị ảnh hưởng từ việc phát triển thủy điện.