Đông Nam Á từng hứng chịu sóng thần khủng khiếp

ThienNhien.Net – Hai nhóm chuyên gia địa chất học của Thái Lan và Indonesia cho biết cách đây 600-700 năm, khu vực Đông Nam Á đã phải hứng chịu một trận sóng thần cường độ cực mạnh, gây thương vong lớn tương đương trận sóng thần năm 2004.

Trong hai bài viết đăng trên tạp chí Thiên nhiên, các chuyên gia Thái Lan và Indonesia cho rằng trận sóng thần trên xảy ra vào khoảng năm 1400. Nhóm của ông Kruawun Jankaew, làm việc tại trường Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, đã tiến hành nghiên cứu tại một vùng đồng cỏ trên đảo Phra Thon ở phía Bắc tỉnh Phuket.

Trong trận sóng thần năm 2004, vùng biển quanh đảo Phra Thon là nơi có ngọn sóng cao tới 20m. Một nhóm nghiên cứu khác của Indonesia đã tìm kiếm ở khu trầm tích vùng đầm lầy duyên hải của tỉnh Aceh, nơi các ngọn sóng cao tới 35m trong trận sóng thần năm 2004. Họ đã phát hiện một lớp cát dày có từ cách đây 600-700 năm, nằm bên dưới lớp cát được hình thành gần đây nhất vào năm 2004. Theo các nhà khoa học, hai lớp cát này nằm giữa các địa tầng, lắng đọng sau mỗi trận sóng thần. Phân tích lớp cát dày ở bên dưới cho phép xác định được rằng bãi biển đã từng bị một trận sóng thần rất mạnh tấn công trong quá khứ.

Nhóm chuyên gia Thái Lan cho biết lớp cát của thời kỳ 1400 dày 2-10cm tùy từng nơi lắng đọng. Hiện các nhà khoa học đang cố gắng tìm lớp vảy vôi của thảm kịch sóng thần cách đây 600-700 năm.

Dù hiện tượng sóng thần không xảy ra thường xuyên ở khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn có thể lặp lại trong tương lai. Thái Lan và Indonesia là hai trong số 5 nước bị thiệt hại nặng trong trận sóng thần năm 2004. Vì vậy, theo các chuyên gia nghiên cứu, cần tăng cường giáo dục kiến thức về sóng thần cho cư dân vùng duyên hải.

Một số chuyên gia cho rằng trận sóng thần năm 2004 gây nhiều thương vong đến vậy (230.000 người chết và mất tích) là vì con người chưa biết đến lịch sử các trận sóng thần quét qua vùng này.