Chất thải nguy hại bị trộn lẫn và xử lý chung với rác sinh hoạt

ThienNhien.Net – Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) cho biết, mỗi ngày các xí nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố thải ra khoảng 217 tấn chất thải nguy hại dạng rắn và dạng lỏng chứa các hợp chất rất nguy hại cho môi trường. Tuy nhiên hầu hết các chất thải nguy hại trên chưa được thu gom xử lý riêng theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường mà vẫn được trộn lẫn với rác thải sinh hoạt đem chôn ở các bãi rác như Phước Hiệp ( huyện Củ Chi), Đa Phước (huyện Bình Chánh)…gây nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 30.000 xí nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề như sản xuất kim loại, gia công cơ khí, nhựa, hóa chất, cao su, điện-điện tử, thuộc da, dệt nhuộm, xi mạ, thủy tinh….có sử dụng nhiều hóa chất, hợp chất có những đặc tính nguy hiểm như:phóng xạ, dễ cháy nổ, dễ ăn mòn, gây ngộ độc, gây ô nhiễm môi trường…

Để quản lý và xử lý các chất thải nguy hại do các cơ sở sản xuất thải ra, từ năm 2007, Sở Tài nguyên-môi trường thành phố đã phổ biến danh mục các chất thải nguy hại đến tận các doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố và tổ chức nhiều đợt tập huấn các qui trình quản lý, xử lý chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp có chất thải nguy hại và yêu cầu các doanh nghiệp có chất thải nguy hại phải đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 600/30.000 đơn vị đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại với cơ quan chức năng ở địa phương để được quản lý, xử lý nguồn chất thải nguy hại theo đúng qui định.Ngoài ra, hiện nay mỗi ngày các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng chỉ mới xử lý được khoảng 1 tấn rác thải độc hại bằng phương pháp thiêu hủy, còn lại khoảng từ 7 đến 9 tấn rác thải rắn khác từ các bệnh viện, trong đó có nhiều loại rác thải y tế còn chứa nhiều chất độc hại được chôn lắp chung với rác sinh hoạt thay vì phải được chôn lắp riêng.

Theo ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn ( Sở TN-MT), nguyên nhân việc xử lý chất thải nguy hại còn nhiều hạn chế, do hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 4 công ty có chức năng xử lý chất thải nguy hại nên khả năng xử lý chất thải nguy hại cũng còn ít so với luợng rác cần xử lý. Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp thiếu ý thức trong việc xử lý xử lý các chất thải nguy hại do cơ sở mình thải ra .

Mặt khác, nguyên nhân chính là công tác phân loại rác tại nguồn của TP.HCM làm chưa tốt, mặc dù thành phố đã bỏ ra trên 5 tỷ đồng thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại quận 6 từ năm 2006 đến nay, nhưng hầu như chương trình thí điểm trên chưa có chuyển biến tích cực trong việc phân loại, xử lý rác theo đúng yêu cầu.

Hơn nữa, do thành phố chưa có các xe thu gom rác được trang bị đồng bộ các phương tiện thu gom rác riêng cho từng loại (rác hữu cơ và rác vô cơ, rac độc hại) nên hầu hết luợng rác đã phân loại xong từ các hộ dân, từ cơ sở sản xuất lại bị trộn lẫn vào nhau khi đưa về bãi rác.

Ngoài ra, hiện các bãi rác của thành phố vẫn chưa có nhà máy phân loại, tái chế rác nên hầu hết những chất thải nguy hại (loại không bị tiêu hủy bằng phương pháp đốt) lại bị trộn lẫn và chôn chung với rác thải sinh hoạt khác tại các bãi rác của thành phố.

Hiện nay, ngành quản lý môi trường thành phố đang kết hợp với các địa phương quản lý chặt việc thu gom, xử lý chất thải của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất có chất thải nguy hại trên từng địa bàn. Đồng thời đang đầu tư thêm nhiều phương tiện dành riêng cho việc thu gom rác thải nguy hại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hạn chế thấp nhất tình trạng rác thải nguy hại bị trộn lẫn với rác thuờng như hiện nay, đang ẩn chứa nhiều hiểm họa đối với môi trường của thành phố ./.