Sông Mê Kông đối mặt với lũ đỉnh trong vòng 100 năm

ThienNhien.Net – Vừa qua, các nhà hoạt động̣ môi trường đã lên tiếng phản đối việc vận hành các đập thuỷ điện của Trung Quốc. Họ cho rằng đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan trong tuần qua – đợt lũ được đánh giá là tồi tệ nhất trong vòng 100 năm trở lại đây trên lưu vực sông Mê Kông. Tuy nhiên, Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) đã đưa ra nhận định trái ngược với những lời cáo buộc này.

Trận lũ này đã tàn phá nặng nề các tỉnh, thành phố Luong Phrabang, Vientian của Lào, và các tỉnh Chiang Rai, Nan, Loei, Nong Khai, Mukdahan của Thái Lan từ đầu tuần qua.

Nhưng phát ngôn viên của MRC cho rằng: “Mực nước trên sông Mê Kông hiện nay hoàn toàn là kết quả của các điều kiện khí tượng thuỷ văn chứ không phải là do việc xả nước của các đập thuỷ điện ở Trung Quốc. Lượng nước dự trữ trong các hồ chứa này quá nhỏ để có thể gây ra ảnh hưởng đối với tình trạng lũ lụt trên sông Mê Kông”.

Trong khi đó lượng mưa trong mùa mưa năm nay tăng đột biến so với trung bình hàng năm đã làm bão hoà khả năng dẫn nước của dòng sông. Cùng với đó là cơn bão nhiệt đới Kammuri xảy ra từ ngày 08-10/08 vừa qua đã làm tình trạng ngập lụt càng thêm nghiêm trọng.

Quan điểm này cùng với nhận định của chính phủ Thái Lan. Thủ tướng Samak Sundaravej và Bộ Tài nguyên Nước đều cho rằng lũ trên sông Mê Kông không liên quan đến hoạt động của các đập thuỷ điện ở Trung Quốc mà do lượng mưa quá lớn trong thời gian qua.

Thanade Dawasuwan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Thái Lan cho biết mực nước trên sông Mê Kông tăng lên hơn mọi năm là do sự tăng cung cấp nước từ các nhánh phụ của sông. Còn việc đổ lỗi cho Trung Quốc về tình trạng lũ lụt mà không có bằng chứng xác đáng chỉ làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng: “Bộ Tài nguyên Nước Thái Lan cũng chỉ có rất ít thông tin về việc vận hành các đập nước của Trung Quốc. Trung Quốc không phải là thành viên của Uỷ ban Sông Mê Kông, do đó cơ quan này không thể bắt buộc họ công khai thông tin. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm sự hợp tác của họ và sớm tiết lộ được những thông tin mà chúng tôi có thể”.

Trái ngược với quan điểm của các nhà lãnh đạo, người dân địa phương và các nhà hoạt động môi trường lại cho rằng các đập nước của Trung Quốc đã góp phần làm cho tình trạng lũ lụt trên sông Mê Kông thêm nghiêm trọng.

Trung Quốc đã xây dựng ba đập nước quy mô lớn trên sông Mê Kông, là Manwan, Dachaoshan và Jinghong. Trong đó, đập Jinghong vừa mới được hoàn thành hồi tháng 6 vừa qua.

Những người dân địa phương và các nhà môi trường ở đây cho rằng chính các đập thuỷ điện và việc cho nổ các hòn đảo nhỏ để dọn đường cho các con tàu chở hàng hoá thông thương trên sông Mê Kông là nguyên nhân làm cho mực nước trên sông Mê Kông lên xuống bất thường.

Montree Chantawong, điều phối viên chiến dịch của Tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái (TERRA$), nói rằng, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng xảy ra gần đây chính là bằng chứng cho thấy các đập nước của Trung Quốc đã không thể ngăn lũ trên các nhánh sông như chính phủ Trung Quốc đã từng tuyên bố.

Mặc dù không thể nói một cách chắc chắn rằng các đập nước của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng ngập lụt trên sông Mê Kông, nhưng chắc chắn một điều là chúng đã góp phần thay đổi rất lớn hệ sinh thái và chế độ thuỷ văn trên dòng sông này.

Trong khi vấn đề vẫn đang được tranh cãi, cơ quan phòng chống thảm hoạ ở Nong Khai, Thái Lan đã thông báo hiện nay tỉnh này đang có ba huyện phải chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ sông Mê Kông, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và các vùng sản xuất nông nghiệp.

Bộ Thuỷ lợi Hoàng gia Thái Lan cũng cho biết, mặc dù nước lũ ở Chiang Rai, Nan và Loei đã bắt đầu rút xuống, nhưng tình hình ở Nong Khai vẫn còn rất tồi tệ.

Và dù nguyên nhân là gì đi nữa thì nước lũ trên sông Mê Kông năm nay sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Việt Nam nằm ở hạ nguồn của con sông này, do đó chúng ta cần phải chuẩn bị thật tốt công tác phòng chống lũ lụt để đối mặt với một mùa lũ lịch sử.

Lũ trên sông Cửu Long
Hiện nay, mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tại Lào và Cam-pu-chia đã lên đỉnh, do đó mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cũng đang tăng lên nhanh chóng. Dự báo, đến ngày 26/08/2008, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,6m (ở mức báo động II). Đến ngày 28/08/2008, mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức 3,0 m (ở mức báo động II).
Ngày 17/08, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung Ương đã có Công điện gửi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về biện pháp đối phó với tình hình lũ lụt, cần di dời dân cư ở ven sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn, chuẩn bị các phương án sản xuất khi có lũ…