Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

ThienNhien.Net – Theo Quy hoạch xây dựng vùng Trung bộ đến năm 2025 vừa được Thủ tường Chính phủ phê duyệt ngày 12/08/2008, vùng kinh tế trọng điểm miền trung (vùng KTTĐMT – Trung Trung Bộ), sẽ trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của vùng Mê Kông lớn cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ được quy hoạch theo hướng là vùng kinh tế tổng hợp, là cửa ngõ hướng biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.

Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vùng KTTĐMT – Trung Trung Bộ gồm TP Đà Nẵng, các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, là vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho miền Trung và Tây Nguyên, với ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển gắn với công nghiệp và dịch vụ. Vùng có diện tích 27.884 km2, với dân số hơn 6,2 triệu người (năm 2006) và là vùng có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp.

Dự báo đến năm 2025, dân số trong vùng là 8,15 triệu người, trong đó hơn 6 triệu người trong độ tuổi lao động; đất xây dựng đô thị khoảng 60.000 – 65.000 ha, bình quân 120 – 140 m2/người. Toàn vùng có 86 đô thị trong đó có 43 đô thị mới.

Hệ thống chuỗi đô thị sẽ được xây dựng để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, thu hút nguồn vốn, cơ hội đầu tư trong nước và quốc tế.., bao gồm thành phố (TP) Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, các đô thị Vạn Tường, Núi Thành…

Qua đó, xác định vùng ưu tiên cho các dự án đầu tư, gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật chuỗi du lịch tổng hợp Huế – Lăng Cô – Non Nước; hình thành trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao ở Huế và Đà Nẵng; xây dựng TP Đà Nẵng là thành phố biển – trung tâm dịch vụ tổng hợp lớn nhất của vùng; xây dựng TP Huế trở thành trung tâm du lịch văn hóa lớn của cả nước; còn TP Quy Nhơn sẽ là trung tâm tăng trưởng kinh tế phía Nam của vùng, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển phục vụ trực tiếp cho vùng Tây Nguyên.

Tại đây sẽ hình thành tuyến hành lang kinh tế thương mại tự do quốc tế dọc theo vùng duyên hải, dựa trên trục quốc lộ 1A, tuyến đường sắt quốc gia và hệ thống cảng biển, đồng thời mở rộng tuyến du lịch ven biển, kết nối với các khu du lịch núi, du lịch di sản văn hóa và khám phá đại dương.

Bên cạnh đó, hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được quy hoạch nhằm khai thác lợi thế gần cảng; các hệ thống kho bãi quốc gia và quốc tế sẽ gắn với hệ thống cảng tổng hợp quốc tế và các đầu mối giao thông liên vùng, xuyên quốc gia.

Các cặp cửa khẩu qua các nước Myanmar, Thái Lan và Lào cũng sẽ được nối thông với hệ thống cảng biển – khu kinh tế của Việt Nam trên cơ sở nâng cấp nối kết một số quốc lộ, tỉnh lộ trong vùng. Tuyến hành lang cao tốc trên biển chạy theo hướng Bắc – Nam và một tuyến liên hệ với quốc tế cũng sẽ được xây dựng.

 
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế quan trọng gắn với biển. (Ảnh: VietNamNet).

Và phát triển vùng kinh tế gắn với biển

Cũng theo quy hoạch xây dựng mới này, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng diện tích tự nhiên 21.432km², sẽ được xác định là vùng phát triển các ngành kinh tế quan trọng gắn với biển, vùng du lịch đặc trưng về sinh thái biển, vịnh, đầm, đồi núi và là vùng chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dân số toàn vùng sẽ tăng từ mức 3,7 triệu người hiện nay lên 4,3 triệu người vào năm 2015 và khoảng 4,8 triệu người vào năm 2025. Dự kiến, năm 2025, vùng dành khoảng 31.000 ha đất cho xây dựng đô thị.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ phát triển theo 3 phân vùng: vùng hành lang quốc lộ 1A với dải ven biển, vùng đồng bằng, vùng đất bán sơn địa và vùng núi phía Tây. Trong đó, vùng kinh tế chủ đạo, đồng thời cũng là vùng đô thị hóa mạnh phía Đông sẽ nằm dọc hành lang quốc lộ 1A với dải hành lang ven biển gồm thành phố Nha Trang, Phan Thiết và vùng phụ cận, khu vực vịnh Vân Phong… Vùng này sẽ phát triển theo mô hình vùng đô thị đa cực bán tập trung, trong đó thành phố Nha Trang và thành phố Phan Thiết là những đô thị trung tâm vùng.

Quy hoạch cũng nêu rõ về định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông nội vùng, nâng cấp cảng Vũng Rô, xây mới cảng trung chuyển quốc tế Đầm Môn, cảng dầu Hòn Mỹ Giang… Cảng hàng không Cam Ranh sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế, đạt cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế-ICAO).

Tuyến đường sắt Phú Hiệp (Tuy Hòa)-Buôn Ma Thuột sẽ được xây dựng mới phục vụ vận chuyển hàng hóa cho vùng Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Nam Lào…

Ngoài ra, vùng sẽ xây dựng sân bay trực thăng tại đảo Phú Quý và Khu kinh tế Vân Phong. Khu kinh tế Vân Phong cũng sẽ được ưu tiên đầu tư cảng trung chuyển container quốc tế, các dự án công nghiệp công nghệ cao, thành phố thông minh – đô thị bền vững và các khu du lịch ven biển.