Việt Nam: 86% số loài linh trưởng bị đe doạ

ThienNhien.Net – Vào tháng 10 tới tại Edinburgh, Scotland sẽ diễn ra một Hội thảo về bảo vệ các loài linh trưởng do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) tổ chức. Các nhà khoa học sẽ công bố kết quả bản điều tra đầu tiên về “Hiện trạng các loài thú trên thế giới”, trong đó có báo cáo về hiện trạng của các loài linh trưởng, nhằm nêu bật mức độ bị đe dọa mà chúng đang phải đối mặt.

Các nhà khoa học cho biết 48% số loài linh trưởng trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Một nghiên cứu do hàng trăm chuyên gia tiến hành đã chỉ ra rằng trong số 634 loài linh trưởng đã được nhận diện thì 11% trong tình trạng nguy cấp, 22% đang bị đe dọa và 15% dễ bị tấn công.

Châu Á có tỉ lệ linh trưởng bị đe dọa cao nhất với 71% số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cao nhất là Campuchia với 90%, Việt Nam xếp thứ hai với 86%, sau đó là Indonesia (84%), Lào (83%) và Trung Quốc là 79%.

Tại châu Phi, 11 trong số 13 loài khỉ đỏ colobus được đưa vào danh sách cực kỳ nguy cấp hoặc gặp nguy cấp. Các nhà bảo tồn lo sợ rằng hai loài còn lại là khỉ đỏ BouvierMiss Waldron cũng có thể đã bị tuyệt chủng từ hơn 20 năm nay.

Đây thực sự là một bức tranh ảm đạm đối với tương lai sinh tồn của các loài linh trưởng trên thế giới.

Chính hoạt động chặt phá, đốt rừng, xâm lấn đất rừng, hiện tượng săn bắt linh trưởng làm thức ăn, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là nguyên nhân khiến cho các loài linh trưởng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra các loài linh trưởng lại là mục tiêu rất dễ tấn công do chúng hoạt động vào ban ngày, sống thành từng nhóm và khá ầm ĩ. Rất nhiều trong số các loài linh trưởng tại châu Á, ví dụ như khỉ thông thường có cân nặng từ 5 tới 6 kg nên rất dễ bị bắt hoặc bị tấn công.

Vườn quốc gia Virunga của nước Cộng hòa Công-gô được biết đến như là nơi có tới 1/3 số lượng gorila núi còn sót lại trên thế giới thế nhưng cuộc nội chiến đã khiến việc bảo vệ loài gorila gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng dân quân được trao quyền kiểm soát khu vực có loài gorila từ tháng 9 năm ngoái, điều này có nghĩa là Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã của Công-gô không còn được quản lý khu vực này cũng như có thể bảo vệ cho loài gorilla.

Trong năm 2007, đã có 10 chú gorila bị giết, riêng trong tháng 07/2007 là 5 con.

Theo tiến sĩ Jean Christophe Vie, phó chủ nhiệm Chương trình bảo tồn loài của IUCN: “Nếu người ta giết đi 7, 10 hay 20 con gorilla, điều này sẽ có tác động cực kỳ nghiêm trọng tới toàn bộ quần thể”. Chính vì thế việc rút tên loài gorila ra khỏi Sách Đỏ các động vật ở mức cực kỳ nguy hiểm đang được thảo luận kỹ lưỡng bởi không ai có thể đoán trước được số phận của chúng trước khi cuộc nội chiến Công-gô kết thúc và kiểm lâm quay lại tiếp quản khu vực này”.

Mặc dù đưa ra một bức tranh tương đối ảm đạm nhưng Sách Đỏ cũng đã ghi nhận được một số những thành công trong công tác bảo tồn.

Đây chính là trường hợp của loài khỉ tamarin sư tử vàng và tamarin sư tử đen ở Braxin.  Các loài này từ tình trạng cực kỳ nguy cấp đã được cải thiện thành nguy cấp.
Mặc dù gần như đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng số lượng của chúng trong các vườn thú lại khá lớn. Vì thế các vườn thú trên toàn thế giới đã quyết định cùng nhau tiến hành một chương trình nhân giống nhằm nâng cao số lượng loài khỉ này để thả chúng trở lại tự nhiên.

Trong đợt thử nghiệm đầu tiên các cá thể được thả trở lại môi trường tự nhiên (những khu rừng nhỏ xung quanh Rio de Janeiro và Sao Paolo) đã không thích nghi được, chúng không biết cách phản ứng lại chim đại bàng và rắn, không biết cách tìm kiếm thức ăn, do đó rất nhiều con đã bị chết. Tuy nhiên có vài con sống sót và số lượng loài bắt đầu tăng lên từ từ.

Thành công này chính là kết hợp giữa bảo tồn chuyển vị tại các vườn thú và bảo tồn tại chỗ. Nó đồng thời cũng mở ra hy vọng cho công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã đang gặp nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.