Bắc Kạn: Diệt rừng đầu nguồn

Rừng đầu nguồn xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể – Bắc Kạn) với diện tích hơn 3.100 ha là vùng đệm quan trọng của Vườn quốc gia hồ Ba Bể vài năm gần đây đã bị chặt phá tan hoang. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có ai bị xử lý, mặc cho hàng vạn người dân trong vùng bức xúc.

Rừng đầu nguồn Đồng Phúc với hơn 3.100 ha rừng tự nhiên, đóng vai trò đặc biệt quan trọng: Vừa là vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Bể, vừa là rừng đầu nguồn giữ nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng vạn người dân trong vùng. Trong rừng có rất nhiều cây gỗ quý, đường kính lớn nên bọn buôn lậu gỗ luôn rình rập, chặt hạ.

Từ cuối năm 2007, lợi dụng “lá bùa hộ mệnh” là 4 giấy phép khai thác tận thu của UBND huyện Ba Bể cấp cho các ông Hoàng Văn Thảnh (Trưởng thôn Nà Khau), Hoàng Văn Dưỡng (Trưởng thôn Bản Chán), Triệu Văn Hòe (Trưởng thôn Nà Thẩu) và Triệu Xuân Tiền (đại diện thôn Lủng Mình), bọn lâm tặc đã thi nhau tàn phá rừng, những cây gỗ to lớn, quý giá đã bị chặt hạ.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, để có được “lá bùa hộ mệnh” là những giấy phép khai thác tận thu, theo 4 người được cấp giấy phép cho biết, họ chỉ đứng ra làm đơn xin khai thác tận thu, tận dụng gửi UBND huyện Ba Bể, UBND xã Đồng Phúc, Phòng Nông lâm nghiệp huyện, theo hướng dẫn của chủ thu mua gỗ.

Còn tất cả các khâu như hợp đồng với Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn để thuê thiết kế khai thác gỗ tận thu, tận dụng; liên hệ với Hạt kiểm lâm huyện Ba Bể đóng búa trước khi vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn, rồi xin giấy phép… đều do các chủ thu mua gỗ thực hiện.

Chính vì thế, toàn bộ số gỗ sau khi khai thác được vận chuyển ra bãi tập kết và bán cho các đầu nậu gỗ, với giá rất “bèo”. Cụ thể, theo hợp đồng kinh tế (không số, viết tay) ký ngày 21/08/2007 giữa ông Hoàng Văn Thảnh – Trưởng thôn Nà Khau (bên bán) với ông Nguyễn Văn Biên (bên mua) giá các loại gỗ như sau: Gỗ dâu 2,4 triệu đồng/m3; gỗ phay, sấu 1,8 triệu đồng/m3; gỗ muồng 1,4 triệu đồng/m3

Trong khi đó, theo ông Hoàng Văn Thảnh, công xẻ 1m3 gỗ dâu đã lên tới 750.000 đồng/m3, chi phí vận chuyển ra bãi hết 1,6 triệu đồng/m3; còn gỗ phay, công xẻ 650.000 đồng/m3, chi phí vận chuyển 1,1 triệu đồng/m3

Trong khi đó, giá mỗi m3 gỗ trên bán ngay tại cửa rừng cho các tư thương khác cũng khoảng 5 triệu đồng; còn vận chuyển về các tỉnh miền xuôi, giá từ 8 đến 10 triệu đồng/m3. Các chủ gỗ cũng chỉ “mạnh tay” trích lại cho quĩ của các thôn có rừng khai thác đợt này là 50.000 đồng/m3!

Điểm mặt kẻ phá rừng

Theo quy định, sau khi được UBND huyện Ba Bể chấp thuận về việc cho phép khai thác gỗ tận thu, tận dụng, chủ rừng phải đứng ra thuê đơn vị tư vấn thiết kế khai thác tận thu, tận dụng rồi trình Phòng Nông lâm nghiệp huyện thẩm định thiết kế.

Nhưng khi tìm đến Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn (Tổ 4, phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn) – đơn vị đã được thuê lập hồ sơ thiết kế khai rừng Đồng Phúc, một sự thật đã được hé lộ: Người đứng ra thuê công ty này lập hồ sơ thiết kế lại là 2 chủ thu mua gỗ, chứ không phải chủ rừng.

Cụ thể, tại bản Hợp đồng kinh tế (số 187/HĐKT, ngày 09/07/2007), ghi rất rõ: Bên A (người thuê Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn lập hồ sơ thiết kế khai thác gỗ tận thu, tận dụng xã Đồng Phúc) là ông Nguyễn Văn Biên – chức vụ: Chủ xưởng gỗ, địa chỉ thôn Phù Cà, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn; đơn giá thiết kế: 70.000 đồng/m3 gỗ nhóm III và 60.000 đồng/m3 gỗ nhóm V.

Còn theo Hợp đồng kinh tế số 353/HĐKT (ngày 20/10/2007), người đứng ra ký hợp đồng thuê Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn lại là ông Đàm Văn Thử – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yên Hà.

Theo xác nhận của lãnh đạo Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn, khi đến liên hệ và ký hợp đồng, các chủ mua gỗ này không hề có giấy ủy quyền của các chủ rừng.

Trong khi đó, theo 2 giấy phép thiết kế khai thác gỗ tận thu, tận dụng (số 422/GP-UBND, ngày 02/07/2007 và số 1106/GP-UBND, ngày 31/10/2007) do UBND huyện Ba Bể cấp, người đứng ra thuê Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn đúng ra phải là các ông Hoàng Văn Thảnh (Trưởng thôn Nà Khẩu), Hoàng Văn Dưỡng (Trưởng thôn Bản Chán), Triệu Xuân Tiền (Đại điện thôn Lủng Mình) và Triệu Văn Hoè (Trưởng thôn Nà Thẩu).

Lý giải điều này, ông Triệu Văn Hoè nói: “Tôi đâu có biết gì về các thủ tục phải làm để được cấp giấy phép khai thác tận thu, tận dụng. Họ (chủ mua gỗ) làm gì tôi đâu có được biết…”. Ba chủ rừng còn lại cũng thừa nhận sự thực này.

Việc này còn được minh chứng rất rõ trong những biên lai nộp thuế cho huyện Ba Bể. Tại phiếu thu tiền của UBND xã Đồng Phúc số 01, ngày 10/06/2008, ông Nguyễn Văn Biên đã nộp 6.746.500 đồng, lý do nộp tiền: Trích cho thôn Nà Khẩu tiền gỗ khai thác. Hay phiếu thu tiền số 03, ngày 10/06/2008, ông Đàm Văn Thử đã nộp cho UBND xã Đồng Phúc 3.000.000 đồng, lý do nộp tiền: Trích cho thôn Nà Khẩu tiền gỗ khai thác…

Trong quá trình khai thác gỗ, do quá nghèo, không có tiền trả công cho người dân làm thuê, một số trưởng thôn còn được chủ mua gỗ ứng tiền trước, thể hiện qua các giấy vay nợ như: Giấy vay tiền ngày 06/09/2007, ông Hoàng Văn Thảnh – Trưởng
thôn Nà Khẩu có vay của ông Nguyễn Văn Biên 20 triệu đồng chẵn, hình thức trả trừ trực tiếp vào số gỗ sau khai thác.

Anh Hoàng Văn Tòng, thôn Bản Chán – một người dân làm thuê cho chủ thu mua gỗ nói: “Thấy họ có giấy phép khai thác, tôi tưởng là rừng được phép khai thác nên họ chỉ chặt hạ cây nào là chúng tôi làm theo. Công họ trả khoán theo sản phẩm: Gỗ dâu xẻ đóng hộp là 750.000 đồng/m3, gỗ phay 650.000 đồng/m3…”.