Lận đận thanh long sạch ở Bình Thuận

Hầu hết người trồng không "mặn" với quy trình trồng thanh long sạch mà họ cho là nhiêu khê. Nên cả tỉnh Bình Thuận với khoảng 10.000 ha thanh long (của 20.000 hộ), chỉ có hơn 200 ha (của 3 cơ sở sản xuất trái cây này) được cấp chứng chỉ vào thị trường châu Âu.

Nở rộ trồng thanh long kiểu “gia truyền”

Do thanh long chịu được hạn, sống dẻo dai trên đất khô cằn như ở Bình Thuận, lại nhanh cho lãi (nhất là quả trái vụ) nên dù chi phí tăng gấp đôi so với 3 năm trước, hàng trăm hộ nông dân vẫn cứ lao vào trồng thanh long. Mỗi hộ nông dân có một kiểu trồng và chăm sóc thanh long khác nhau.

Đặc biệt, 100% hộ trồng đều sử dụng thuốc kích thích chất tăng trưởng lúc cây ở giai đoạn ra búp là “ga 3” và phân bón lá Thiên Nông. Trong đó “ga 3” thực chất là thuốc kích thích gồm hai loại, một là Gibber 10SP (hàng nội), loại kia có tên Pro gibb (sản xuất từ nguyên liệu của Mỹ).

Theo ông Đặng Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ, mặc dù cơ quan chức năng ban hành hẳn một qui trình hướng dẫn kỹ thuật, nhưng nhìn chung là mạnh ai nấy làm, ai cũng có bí quyết riêng trong việc sử dụng chất kích thích, phân bón lá, trong khi thị trường lại có hàng chục hàng trăm chất kích thích tăng trưởng khác nhau; khó mà kiểm soát họ sử dụng thuốc nào, có đúng liều lượng, qui trình hay không.

Bởi vậy, cũng nói như ông Tiến, trái thanh long Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ là một tin vui cho bà con nông dân nhưng lãnh đạo chính quyền thì vừa mừng vừa lo. “Mừng là trái thanh long đã có thương hiệu, mỗi năm tại đây xuất bán trong và ngoài nước khoảng 10 ngàn tấn tươi, nhưng lo là nông dân địa phương vẫn còn lạm dụng chất kích thích tăng trưởng để tăng sản lượng nhưng chất lượng trái giảm, nhập khẩu vào các nước “khó tính” như Mỹ và EU mà vẫn còn kiểu làm ăn cẩu thả thì chỉ có… chết!”.

Theo ông Tư Rô (QL.1, Phú Hưng), chủ một trong 30 công ty, doanh nghiệp, “nậu vựa” đóng chân trên địa bàn có nhiều năm trong nghề thu mua trái thanh long xuất khẩu, nếu người dân sử dụng thuốc kích thích đúng liều lượng, đúng qui trình thì không sao (vỏ trái vẫn dày đỏ, ruột trắng giòn, tai cứng, tươi lâu, một trái cân nặng từ 3,5 lạng trở lên).

Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng sẽ sinh ra “dư lượng” trong trái với đặc điểm như trái chín không đều, màu xanh nhiều hơn màu đỏ, tai cong ra phía sau, trọng lượng thì “tăng vọt” hơn bình thường, cá biệt có trái to cỡ bình bát nặng tới 1 kg. Trong khi trái thanh long không sử dụng chất kích thích thì vỏ mỏng, tai yếu, ruột mềm và đặc biệt là màu sắc không đẹp, nặng chừng 3 lạng trở lại và thường bị xếp vào loại “hàng dạt”.

Thanh long sạch: 2%

Hàm Thuận Nam là một huyện có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh, năm 2007 có 4.880ha, năm nay đã lên tới 5.500ha (tăng gần 800ha với hàng chục trang trại, cơ sở thu mua tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài). Để giữ vững thương hiệu cũng như ổn định phát triển sản xuất. Theo ông Châu Đình Quang – Phó chủ tịch UBND huyện, địa phương đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long, không sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật và lạm dụng chất kích thích để tăng trưởng quả.

Theo đó, từ tháng 4 đến nay đã có trên 80% số hộ trồng thanh long đăng ký cam kết sản xuất theo hướng an toàn. Hiện nay, tại một số khu vực trồng thanh long trên địa bàn huyện đã hình thành được các nhóm từ 5 đến 7 nông hộ liên kết, hợp tác hỗ trợ với nhau về các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thông tin thị trường để cùng nhau sản xuất và tiêu thụ thanh long sạch.

Trong đó, HTX Thanh long Hàm Minh với 123ha được Tổ chức EurepGap (Thụy Sĩ) trao chứng chỉ danh giá “Thực hành nông nghiệp tốt và trái cây ngon” cách đây 2 năm.

Ông phó chủ nhiệm HTX Hồ Trọng Huấn cho biết, phải chật vật lắm vì có đến 200 tiêu chuẩn mà tổ chức quốc tế đưa ra để bà con nông dân thử nghiệm, trong đó có 100 tiêu chuẩn phải thực hiện nghiêm ngặt. Nhờ vào quy trình sản xuất nghiêm ngặt này mà Hàm Minh cùng 2 cơ sở khác là Công ty Thanh long Hoàng Hậu (80ha) và Trang trại Duy Lan (10,7ha) được EU cấp chứng chỉ chất lượng.

Tuy nhiên, nếu cộng lại diện tích trồng thanh long của 3 đơn vị này theo qui trình GAP (an toàn) thì mới chỉ có hơn 200ha, trong khi cả tỉnh Bình Thuận có đến 10.000ha cây thanh long. Mặc dù chính quyền địa phương thỉnh thoảng họp hành, vận động đưa các nông hộ vào các nhóm liên kết nhỏ như nói ở trên để sản xuất theo qui trình “thanh long an toàn” nhưng hầu hết người trồng vẫn chấp nhận cách làm truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún và trông mong vào sự may rủi của thị trường trong nước; ít ai muốn tiến tới cách làm ăn hợp tác bền vững và vươn xa.

“Nhạt” với thanh long sạch

Như ông Nguyễn Thu (thôn Phú Sơn, Hàm Mỹ) trồng 2ha thanh long, mỗi năm thu hoạch từ 40-50 tấn trái tươi, hiện vẫn thích “đứng ngoài” hơn là vào trong các mô hình sản xuất theo kiểu liên kết.

Theo ông Thu, vào “mô hình” cũng có cái hay nhưng cách làm việc kiểu khoa học hết sức “nhiêu khê” như phải theo dõi, ghi chép đồng ruộng hàng ngày, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu theo đúng qui trình, liều lượng bắt buộc thì không chỉ ông mà còn nhiều nông dân khác “không mặn”, không thích hợp.

Còn gia nhập vào các nhóm liên kết từ 5-7 nông hộ để truyền bảo cho nhau qui trình kỹ thuật sản xuất thanh long sạch thì hơi khó, vì ai cũng muốn giữ riêng cho mình bí quyết trồng và chăm sóc thanh long sao cho đạt sản lượng cao nhất.

Trong khi đó, để trái thanh long sạch vào được thị trường nước bạn, cũng không dễ dàng gì. Ông Mai Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH TM-XNK Thanh long Kiều Nga (Bình Thuận) phàn nàn: “Mỗi năm phía Đài Loan có 4-5 lần trừ tiền do trái thanh long bị “ruồi đục trái”, nên mỗi container mất đi 500 USD. Nếu xuất thanh long Việt Nam vào thị trường Mỹ, bằng đường hàng không thì giá cước quá cao; vận chuyển bằng đường biển thì mất ít nhất 28 ngày, khi mà thanh long hư 30%”.

Còn theo bà Đào Thị Kim Dung, GĐ Trung tâm nghiên cứu thanh long Bình Thuận, bạn hàng nước ngoài chưa hẳn hài lòng với trái thanh long sạch của Việt Nam. Bà cho biết: “Sau khi đi thị sát một trong 3 cơ sở SX trái thanh long sạch đạt tiêu chuẩn châu Âu ở Bình Thuận vào hai ngày 10/06 và 24/06 vừa qua, đại diện của Cơ quan kiểm dịch thực vật (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) yêu cầu chúng ta điều chỉnh một số qui trình, nhưng chưa chỉ cụ thể là qui trình nào”.