Mộc Châu: Khúc vĩ thanh của núi rừng Tây Bắc

Không có được những cảnh đẹp lãng mạn, quyến rũ như Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) vẫn cuốn hút du khách bởi nét hoang sơ, nhuần nhụy của vùng đất xanh ngắt những đồi chè, ngọt ngào dòng sữa chắt lọc từ tinh tuý của đất trời và thiên đường của chợ tình, của hoa ban, hoa mận…

Thị trấn Mộc Châu có vẻ đẹp rất khác biệt, cũng là cao nguyên đầy gió nhưng không phải là những nếp nhà ẩn khuất sau sương mù, không phải con đường đất quanh co, đơn côi uốn lượn… mà là những toà nhà cao tầng hiện đại; hệ thống hàng quán sầm uất, khang trang; những con đường trải nhựa rộng rãi, thênh thang nhịp bước.

Mộc Châu không phải là thị trấn của những điều xưa cũ. Thế nhưng, chỉ cần đi sâu vào bất cứ một bản làng nào đó, sẽ bắt gặp hình ảnh thân thuộc, bình yên như chưa hề có “cơn bão đô thị hoá” quét qua. Đó là màu xanh của chè, là những đốm mốc trắng như tuyết trên thân cây mận, là lẻ loi từng nóc nhà giữa muôn trùng núi, gió… Đây mới là Mộc Châu thực sự, là mảnh đất của tất cả những đam mê, mơ mộng và huyền bí như cổ tích.

Đất ngọt ngào…

Thừa hưởng sự ưu ái của thiên nhiên với khí hậu trong lành, độ cao trung bình 1.050m so với mực nước biển, chè Mộc Châu có màu xanh trong như mắt trẻ thơ và vị chát đắng đậm đà như ân tình của đất. Cũng là búp chè trên núi cao, cũng là cách sao chế truyền thống mà sao chè ở đây như vị thuốc bổ thần kỳ, chỉ nhấp một ngụm đã nghe dư ba hùng vĩ của đất trời lan toả, đã thấy vị ngọt làm thông tỉnh mọi giác quan. Những đồi chè ở đây trải dài bất tận, tạo nên một màu xanh trù phú và bình yên. Chè không chỉ là vật “níu giữ hồn đất, hồn núi” mà còn là cây xoá đói giảm nghèo của bà con. Từ việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu với Công ty Chè Mộc Châu, rất nhiều gia đình ở đây có cuộc sống khá giả, sung túc.

Trong lần đầu tiên tới Mộc Châu, tôi không có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh của những chú bò thảnh thơi gặm cỏ. Sau này, khi có dịp trở lại, tôi quyết định xăm xăm ra đồng, mặc cho sương quệt đẫm hai ống quần. Tôi leo lên đỉnh cao để nhìn bao quát, những đồi cỏ xanh mướt lượn sóng chỉ toàn là giống cỏ Mộc Châu. Trước đó, nhiều gia định đã du nhập giống cỏ mới cho đồng bộ với đàn bò ngoại nhưng vẫn không thay thế nổi. Không phải giống cỏ này giàu chất dinh dưỡng gì hơn mấy loại cỏ đã được chọn lựa trên thế giới, mà chỉ vì nó có một đức tính vô địch là chịu đựng được mọi thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên như sương muối hành hạ, nắng hạn kéo dài mà vẫn nhanh chóng tái sinh. Cỏ ở đây có sức chịu đựng dẻo dai như con người! Chẳng thế mà sữa ở cao nguyên Mộc Châu cũng mang hương vị khác lạ: mát dịu, ngọt thanh và béo ngậy.

Hỏi chuyện một cô gái đang cắt cỏ bằng chiếc liềm máy cá nhân mới biết, đàn bò vẫn phát triển, nhưng giao cho các hộ nuôi, rồi nộp sản phẩm sữa cho Nông trường. Không còn cảnh chăn nuôi hoành tráng để các họa sĩ vẽ tranh, thi sĩ làm thơ, nhưng sản phẩm sữa tươi Mộc Châu thì đã xuất hiện trên khắp các ngõ phố Hà Nội, những hộp sữa tươi chế biến công nghiệp đã len vào từng nhà ở nhiều vùng…

Cùng đi chợ tình

Chợ tình Châu Mộc diễn ra vào ngày 01/09 dương lịch hàng năm và cũng được coi là ngày Tết độc lập của người Mông. Chợ đẹp như bức tranh sinh động vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)… Sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa.

Chợ tình đã đi vào cách hiểu của người vùng xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về nó. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán, nhưng chợ tình ở đây không ai bán mà cũng chẳng ai mua. Nhưng thật trớ trêu, những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hò hẹn. Bởi vậy, nôm na có thể hiểu, chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm. Cũng thật dễ hiểu vì chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hóa của đồng bào vùng cao.

Chợ tình Châu Mộc cũng có dáng dấp như chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc -Hà Giang), trải qua hơn 40 năm, nhiều thế hệ thanh niên gặp nhau ở đây đã nên vợ nên chồng. Cũng có mối tình không dẫn đến hôn nhân, nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, mỗi năm một lần, họ hẹn gặp nhau ở Mộc Châu, thăm hỏi động viên nhau trên bước đường đời. Vì vậy, đêm về khuya, bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó để cùng về.

Một đặc điểm của phiên chợ này là, tuy người rất đông, kín đường, kín chợ, ngựa xe không đi nổi, nhưng không hề có cãi cọ, không có người say rượu. Người Mông có câu: “Tan chợ không say không phải là người tốt”, ý nói người không uống say là không thật lòng với bạn, hoặc không có bạn. Theo năm tháng, chợ tình Châu Mộc ngày một thêm đông. Từ những năm 1990, đã có hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Các dân tộc anh em như Dao, Kinh, Khơ Mú, Mường, Thái ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu vui Tết cùng bà con người Mông.

Khi xưa, cuộc sống còn nghèo, mọi người đến chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm không về kịp phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương tiện đi lại chính của đồng bào là xe máy. Đường đông như trẩy hội. Có những chàng trai đến gần chợ thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu dân tộc cổ truyền. Họ mang theo cả radio cassette để tìm bạn, mở băng ghi âm những bài hát mà bạn mình ưa thích, bạn nghe được sẽ tự tìm đến. Rồi hai người dắt nhau đi trò chuyện, họ lại mở máy, ghi âm tiếng nói, lời ca hoặc điệu khèn của nhau. Họ trao băng ghi âm cho nhau để mỗi khi nhớ bạn lại mở ra nghe giọng nói thân thương.

Trong rừng người chen vai, người ta bắt gặp cả những khuôn mặt ngơ ngác của những cô bé 13 – 14 tuổi lần đầu xuống chợ. Cánh con trai chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt rửa, xịt keo. Sau đó, họ rủ cánh con gái đi ăn phở rồi chụp ảnh và chờ bọc răng vàng. Những bàn tay nắm tay, những ánh mắt đắm đuối, những cử chỉ vuốt ve…

Cuộc vui rồi cũng qua, chỉ còn kỷ niệm sâu nặng về tình yêu, tình anh em, bạn bè, và âm vang của những bài ca, điệu múa ẩn chứa tâm hồn người dân miền sơn cước. Hội đã tan nhưng đâu đây vẫn vẳng nghe tiếng hát: “Người đẹp ơi/Người đẹp về đây cùng núi, cùng rừng/Tiếng hát ta theo gió bay cao/Tiếng hát của tình yêu lứa đôi/Tiếng hát của tình yêu sông núi/Người đẹp ơi… Người đẹp ơi…”.

Chợ tình Châu Mộc là điểm khởi đầu cho một tình yêu trong sáng. Sự gặp gỡ, ưng thuận ở đây vừa là tỏ tình, vừa là đính ước để mùa hoa ban tới, tình yêu sẽ kết thành trái chín.