Gian nan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Hơn 170 người chết, gần 1,3 triệu người phải di tản vì lũ lụt đang hoành hành ở miền Nam Trung Quốc. Tại Mỹ, các dòng sông ở các bang Iowa, Kansas, Missouri, Wisconsin, Minnesota, Michigan, Illinois và Indiana dâng cao làm hàng chục người chết và hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại nặng. Thiệt hại kinh tế của Trung Quốc ước lên tới 1,5 tỉ USD, trong khi chỉ riêng bang Iowa, Mỹ tổn thất hàng tỉ USD với 83/89 hạt cần viện trợ của liên bang.

Trước đó, bão Nargis ập vào Myanmar làm 134.000 người chết và 1,5 triệu người mất nhà cửa… Có thể thấy thiên tai đang hoành hành khắp nơi trên thế giới với mức độ thiệt hại ngày càng nặng hơn. Một trong những nguyên nhân được các nhà khoa học khẳng định là do sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nỗ lực hạn chế tình trạng này bằng Hiệp ước khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UNFCCC) đang gặp trở ngại sau cuộc họp kéo dài 10 ngày tại Bonn (Đức) mới đây.

Đây là vòng thứ 2 trong số 8 vòng đàm phán dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2008-2009 nhằm đưa ra một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không đạt được sự tiến bộ nào theo Kế hoạch hành động Bali, được đưa ra tại Indonesia hồi năm ngoái.

Vấn đề nằm ở chỗ các nước phát triển chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải mới, cụ thể là cắt giảm khoảng 25-40% khí thải vào năm 2020 so với mức năm 1990. Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ mục tiêu này nhưng các nước giàu khác như Mỹ, Canada, Nhật và Australia phản đối. Nhiều nhà quan sát cho rằng có rất ít tiến triển cho mục tiêu giảm 25-40% khí thải và hiệp ước mới chỉ có thể đạt được khi Tổng thống Mỹ George Bush hết nhiệm kỳ và một chính quyền mới lên thay thân thiện với môi trường hơn.

Ngoài ra, các nước phát triển còn bị chỉ trích không tăng cường chuyển giao công nghệ sạch cho các nước nghèo. Nhóm 77 nước đang phát triển (G-77) và Trung Quốc cho rằng họ không thể cắt giảm khí thải nếu không được hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ sạch từ các nước phát triển, vì cần sử dụng năng lượng cho tăng trưởng kinh tế. Các nước đang phát triển đề nghị thành lập một định chế tài chính, có thể cung cấp quỹ cho các nước đang phát triển thực hiện các hoạt động cắt giảm khí thải và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các nước phát triển lại cho rằng nếu chỉ có các nước giàu hành động, các nước mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… sẽ có nhiều lợi ích về mặt kinh tế và vì vậy tổng lượng khí thải thực tế không giảm. Họ cũng muốn lập cơ chế hỗ trợ các nước đang phát triển mua được công nghệ thân thiện môi trường với giá hợp lý hoặc tự chế tạo công nghệ mới.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển không hài lòng vì trong khi rất ít nguồn quỹ được thành lập theo hiệp ước, Anh, Nhật và Mỹ lại đề xuất đưa hàng tỉ USD của các quỹ môi trường vào Ngân hàng Thế giới (WB), một tổ chức do họ kiểm soát. G-77 và Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ động thái này và nhấn mạnh rằng nếu các cuộc đàm phán về môi trường tiến bộ, các nguồn quỹ theo đề nghị của các nước đang phát triển sẽ do UNFCCC điều hành.

Với những khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển tại Bonn, hiệp ước mới về biến đổi khí hậu khó được thông qua tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) vào cuối năm 2009 như dự kiến.