Thăm Phong Nha – Kỳ quan đệ nhất động

Tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có một hang động nổi tiếng – không những hấp dẫn với du khách trong nước mà cả khách nước ngoài. Đó là động Phong Nha.

Du khách đi từ miền Bắc vào hoặc từ miền Nam ra đều phải qua huyện Bố Trạch, đến ngã ba Hoàn Lão, rẽ theo đường tỉnh lộ số 2 chạy theo hướng tây bắc. Vượt qua 16 km đường bộ sẽ tới bờ sông Son. Từ đây đi thuyền vào động. Dòng sông Son trong xanh lượn quanh những đồi cỏ tranh và lau sậy, lúc thì lượn qua các cánh đồng thưa ríu rít tiếng chim khiến cho du khách quên đi nỗi mệt nhọc đường xa và cảm thấy yêu thích cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng đầy vẻ thơ mộng nơi này.

Thuyền càng gần đến động Phong Nha, những luồng gió rít ào ào càng nghe rõ. Cửa động cao gần 10 m, rộng đến 25 m. Từ phía trên nhiều nhũ đá rũ xuống trông tựa như những chiếc răng khổng lồ. Những luồng gió mạnh từ trong động thổi ra ngoài suốt đêm ngày xuyên qua hàng nhũ đá ấy càng rít lên dữ dội hơn. Người xưa đã lấy tên “Phong Nha” để đặt tên cho động đá này có lẽ do xuất phát từ hiện tượng đó.

Động Phong Nha gồm có hai bộ phận: động khô và động nước hay còn gọi là Thiên động và Thủy động. Động khô ở độ cao 200m, theo các nhà địa lý học, thuở xưa vốn là dòng sông ngầm nay đã kiệt nước chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích. Động nước là một con sông dài chảy suốt đêm ngày. Sông khá sâu và nước trong veo. Vào động nước phải đi bằng thuyền và mang theo đèn đuốc mặc dù hiện nay bên trong hang động đã có đèn chiếu sáng.

Qua cửa động đi chừng vài trăm mét, lòng động mở rộng đến 40m, trần cao độ 15m, nhưng vào sâu hàng trăm mét thì lòng động thu hẹp lại và tối om vì trần động hạ thấp chỉ cách mặt nước chừng vài mét. Vượt qua đoạn này, tiến sâu thêm 100m nữa thì động lại mở ra, cao hơn nhưng không còn thấy ánh sáng cho nên du khách phải dùng đèn pin hay đuốc mới nhìn rõ.

Tiếng mái chèo khua trên mặt sông ngầm hòa với tiếng những giọt nước từ trên trần động nhỏ xuống tạo thành những âm thanh hỗn hợp, vang vọng tận hang sâu khiến cho du khách cảm thấy mình như lạc vào chốn hoang sơ và bí hiểm. Nếu du khách đưa tay gõ nhẹ vào thân các cột đá hai bên vách động thì nó sẽ vang lên tiếng trống, tiếng chiêng nghe thật lạ lùng. Các nhà khoa học lại bảo rằng động Phong Nha là loại “động âm nhạc” bởi hang động này chạy dài hình chiếc ống, trần đá cong, vách đá lồi lõm, sóng nước vỗ vào vách đá lao xao, nước từ trần rơi xuống thánh thót… tất cả hợp thành tiếng nhạc được khuếch đại qua lòng hang vòng vèo tạo thành tiếng nhạc, lúc bập bùng như tiếng trống, lúc lanh lảnh như chuông ngân.

Bơi thuyền đi khoảng một ki-lô-mét thì cạn nước, du khách rời thuyền để lên bờ đi vào “rừng đá”. Nhũ đá từ dưới nhô lên, từ trên rũ xuống tua tủa như bức rèm thưa và có biết bao dáng hình kỳ lạ, nào là tiên ông ngồi đánh cờ, nào hình rồng uốn khúc, nào phượng múa, nào là hình mâm xôi, cái khánh, chuông đồng hoặc hình chú nai ngơ ngác… Du khách đi bộ mà ngắm nhìn thỏa thích các tuyệt tác thiên nhiên, trong đó có nhiều nhũ đá lung linh sắc màu như châu ngọc.

Rừng đá này nằm trên bãi cát trắng của dòng sông ngầm, là điểm cuối của động Phong Nha. Nếu tính từ ngoài cửa chính vào thì thuyền du khách đã bơi thuyền đến 1.450m.

Tham quan động Phong Nha, ngoài động nước, du khách nên đi xem thêm động khô. Nó được phát hiện vào năm 1935. Động khô không có nước. Trong động khô có nhiều cột đá xanh rất đẹp, đặc biệt có một cái vực sâu hun hút ăn xuống một cái hang bên dưới tối om. Cùng một địa điểm mà có đến hai hang động như vậy thật là hiếm và cũng vì điều đó làm cho du khách càng thích thú.

Hang động Phong Nha phía sâu bên trong, cùng các dòng sông ngầm dưới khối đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nguyên sinh
41.132ha vẫn còn cất giữ bao điều huyền bí, thú vị, hấp dẫn mà con người vẫn chưa biết đến.

Hiện nay, động Phong Nha đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm và khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngày 02/07/2003, Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa lịch sử thế giới.