Việt Nam có tiềm năng về nhiên liệu sinh học thay thế dầu mỏ

Tiến sĩ Đỗ Huy Định, Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng về nhiên liệu sinh học có thể làm nhiên liệu thay thế xăng dầu.

Các loại cây như mía, sắn, tảo, cây cọc rào, dầu ve… và nhiều loại phụ phẩm như hạt cao su, mỡ cá, dầu mỡ đã qua sử dụng đều có thể sản xuất nhiên liệu thay thế xăng dầu.

Diện tích trồng mía của Việt Nam hiện nay hơn 300.000ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 17 triệu tấn mía cây và hiệu suất cồn được sản xuất từ đường mía cũng rất cao.

Việt Nam hiện cũng có khoảng 430.000ha chuyên trồng sắn, sản lượng hàng năm từ 6,5 đến 7 triệu tấn củ. Tinh bột sắn là nguyên liệu chủ yếu thứ 2 để sản xuất cồn.

Thêm vào đó, ở Việt Nam còn có cây cọc rào (jatropha) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, đã được di thực vào Việt Nam khá lâu. Loại cây cho nhiều dầu sinh học này lại tỏ ra thích ứng với nhiều vùng sinh thái ở Việt Nam. Dầu ép từ hạt jatropha có ưu điểm tính chất hoá-lý rất thích hợp để làm bio-diesel. Giống cây này có thể phát triển được trên các vùng đất hoang hoá nghèo dinh dưỡng, hạt chứa hàm lượng dầu cao (30-35%), chu kỳ khai thác nhiều năm.

Mỗi ha cây Jatropha trồng sau 5 năm có thể cho từ 3-8 tấn hạt và nếu trồng 1 triệu ha Jatropha, sau 5 năm có thể thu được 1,5-3 triệu tấn dầu thay xăng. Hiện nay, hàng chục cơ sở đã trồng thử nghiệm hàng trăm ha cây cọc rào này.

Đáng chú ý là Công ty Green Energy Việt Nam (GEVN) hợp tác với Trung tâm Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã đưa mô hình trồng trình diễn jatropha trên đất cát, đất khô hạn, đất đồi vào các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Định, Bình Phước, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, cho kết quả tốt.